Bé Minh (4 tuổi rưỡi, ở Q.2, TP.HCM) thường co rúm, thậm chí òa khóc, hét lên nếu bị người lạ hỏi han, cầm tay. Sau 3 tháng học ứng xử, Minh đã biết tự tin đứng nói trước đám đông.
Ở lớp học đặc biệt này, Minh và các bạn được tham dự nhiều trò chơi, chủ yếu trên màn hình vi tính, trong đó, Minh cùng các bạn trò chuyện, đóng kịch… để tập các kỹ năng cụ thể, như nói được các bạn lắng nghe, nói đúng ý mình, kết hợp đúng các đồ vật trong nhiều bối cảnh cụ thể…
Mẹ của Minh, chị Nguyễn Thị T. tâm sự: “Con tôi rất thông minh nhưng không hiểu sao cháu lại ít nói và rụt rè đến mức khó tả. Tôi rất lo, và cuối cùng, cho cháu tham gia một chương trình giáo dục liên hoàn của Mỹ có tên là Fastrackids. Bây giờ nỗi lo của tôi được trút bỏ khi cháu đã thay đổi thật nhiều. Cháu trở nên tự tin, năng động, mạnh dạn đến không ngờ…”.
Ở TP.HCM, phụ huynh tìm đến các chương trình dạy kỹ năng sống như chị T. đang ngày một đông. Chị Nguyễn Lan L., cũng vui mừng nhận thấy những biến đổi tích cực trong hành xử của cậu con trai 6 tuổi rưỡi. Từ một cậu bé thông minh và độc lập đến mức luôn là thủ lĩnh trong truờng, hầu như không chơi với bạn, cậu bé đã biết hỏi han bạn bè, xin các bạn giúp đỡ và sẵn lòng giúp bạn.
Tại một điểm triển khai chương trình dạy kỹ năng sống, trường Citysmart (Quận 3, TP.HCM), khá nhiều phụ huynh đến xin tư vấn. Một trong những môn học họ quan tâm là: Mục tiêu và những bài học trong cuộc sống. Phỏng vấn các phụ huynh cho thấy các bậc cha mẹ đều mong muốn dạy trẻ biết cách thiết lập mục tiêu của bản thân, biết mình là ai, mình cần gì, gia đình bạn bè có ý nghĩa như thế nào cũng như trách nhiệm của mình ra sao…
Các chương trình làm giàu kiến thức và rèn kỹ năng sống cho trẻ đang triển khai tại Việt Nam nói chung, TP.HCM khá đa dạng: Fastrackids, MARPLE- BEAR, chương trình đào tạo và phát triển nhân cách mang tên John Robert Power…
Theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu tâm lý tại TP.HCM, những chương trình này đều đi theo hướng phát triển nhân cách con người, khơi gợi tiềm năng phát triển cũng như xây dựng những kỹ năng sống cho trẻ. Từ những kỹ năng rất đơn giản như kỹ năng xây dựng mục tiêu của cuộc sống hay kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình đến những bài học về lòng nhân ái – lễ giáo đều được quan tâm và chú trọng khai thác. Hơn thế nữa, những kỹ năng sống mang tính thực tiễn và thích hợp với trẻ nhỏ như làm quen với các công nghệ gia dụng, máy tính, điện thoại… cũng đều được trải nghiệm một cách đích thực.
Nhiều người cho rằng, một số gia đình đã chuyển hướng, không tìm các lớp dạy năng khiếu hay tiếng Anh như trước, mà chú trọng trang bị kỹ năng sống cho con mình. Tuy nhiên, nên lưu ý, trước khi dạy trẻ cách “đối nhân xử thế”, chính cha mẹ cũng phải rèn luyện thói quen sống đẹp với mọi người.
TS. Huỳnh Văn Sơn (Trưởng Bộ môn Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.