“Cấp cứu” cho da bỏng nắng
PN – Sau khi phơi nắng nhiều (tắm biển, làm việc ngoài trời…), nhất là vào khoảng thời gian từ 10-15g, da các vùng phơi bày nhiều như mặt, cổ, gáy, mu bàn tay, cẳng tay có thể bị bỏng nắng. Nếu bỏng nắng ở độ 1 chỉ gây cảm giác châm chích, bỏng rát, ngứa, đỏ da, đen da, khô da, tróc vảy chứ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và không gây sẹo. Còn bỏng nắng ở cấp độ nặng hơn, da sẽ bị ửng đỏ, đau rát, có khi còn phồng rộp, gây đau đớn, choáng ngất, nhiều trường hợp có thể để lại vùng da thâm sạm.
Theo BS Võ Thị Bạch Sương – giảng viên Bộ môn Da liễu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, lúc da vừa bị bỏng nắng, nên chườm nước đá để nhanh chóng giảm nhiệt tại chỗ, sau đó dùng khăn thật mềm để làm khô da. Các “bài thuốc” như: mật ong, nha đam, giấm, kem đánh răng, nước mắm, đều không nên dùng lúc này, vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc kích ứng da. Tuy nhiên, có thể dùng dưa leo để làm dịu da bởi dưa leo ít kích ứng, phù hợp mọi loại da, giúp cung cấp nước trên bề mặt da.
Một số người đã tẩy tế bào chết khi da bị bỏng nắng với mong muốn “khắc phục nhanh sự cố”. Điều này không nên, mặc dù y học hiện đại không phủ nhận lợi ích của việc tẩy tế bào sẽ làm tươi trẻ làn da, bởi vitamin, chất axít, một ít chất khoáng trong các loại củ, quả sẽ cung cấp lượng nước làm ẩm bề mặt da. Nhưng khi bị bỏng nắng, da rất yếu, việc tẩy tế bào chết sẽ làm da dễ tổn thương và khó phục hồi hơn.
Khi bỏng nắng, nếu chỉ bị đỏ nhẹ thì có thể thoa dầu kẽm, thuốc chứa dexpanthenol, dầu mù u… Nếu da đỏ nhiều kèm ngứa, có thể thoa các chế phẩm chứa corticosteroid loại nhẹ, hai lần mỗi ngày trong năm – bảy ngày. Tình trạng bỏng nắng có thể làm da bong vảy sau đó. Trường hợp này, có thể thoa các chất giữ ẩm chứa sữa ong chúa, tinh chất dầu dừa để làm dịu da và giúp da đỡ khô ráp. Tiếp theo là bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm bằng nước lạnh, hoặc nước còn hơi ấm. Nếu da bị thâm đen, có thể thoa kem chứa các chất làm nhạt màu da như vitamin C, hydroquinone… trong vài tuần.
Sau khi làm “mát” da từ bên ngoài, cần tiến hành làm “mát” từ bên trong bằng cách uống nhiều nước hơn bình thường (trái cây, nước canh, nước lọc). Việc bổ sung kali, các vitamin A, C, E cũng rất quan trọng. Ngoài ra, axít béo omega-3 trong cá hồi, cá mồi, cá trích, cá điêu hồng cũng có tác dụng giảm viêm, thúc đẩy sự làm lành các mô tế bào.
Nguồn phununet
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.