Du học sinh nữ: chia sẻ kinh nghiệm ở Mỹ
Du học sinh nữ: chia sẻ kinh nghiệm ở Mỹ Những mẩu chuyện của Jessica Phạm – một cô bạn đang học đại học năm thứ 2 ở Mỹ sẽ giúp chúng ta hình dung về cuộc sống của du học sinh tại đất nước kì lạ này – thật trung thực và thú vị.
Những rắc rối dồn dập trong những ngày đầu tiên khiến tôi có cảm giác bị quá sức, nhưng khi đọc bài báo về trường hợp một bạn gái mới đây phải bỏ về khi không hòa nhập được với môi trường Mỹ, tôi lại dặn mình phải can đảm hơn …
Đi dép lê rất có thể bị… từ chối Visa
Tôi đến Mỹ một ngày cuối tháng 8. Kinh nghiệm đầu tiên dành cho các bạn chuẩn bị đi du học: hãy đặt vé máy bay sớm từ… 4 tháng đến nửa năm, để chắc chắn rằng mình không phải nhận được những cái lắc đầu “hết vé” từ bàn giao dịch và cũng để tiết kiệm tối đa chi phí có thể.
Thông thường, vé một chiều sang Mỹ rẻ nhất khoảng 500 – 600 USD của Vietnam Airlines nhưng luôn hết từ đầu mùa. Các lựa chọn tiếp theo là Japan Airlines, American Airlines, China Airlines hay Cathay Pacific…
Tôi vẫn nhớ trong cùng ca phỏng vấn với mình, một bạn gái tuy đã từng ở Mỹ 2 năm vẫn bị từ chối bởi lý do đơn giản: “I don’t believe you” (Chúng tôi không tin tưởng cô).
Dù bạn ấy có kiên quyết đến phát khóc rằng “Sẽ trở về Việt Nam” nhưng điều gì đó đã không đủ chứng minh cho đại sứ quán. Mà “điều gì đó” ở đây, theo tôi quan sát, rất có thể là đôi dép lê màu đỏ, áo sơ mi buông thõng và chiếc quần bò loe ống đã bạc màu.
Chuyện này có vẻ hơi tế nhị, nhưng nếu ai đã từng lắng nghe những kinh nghiệm “cổ điển” về ăn mặc khi xin Visa thì sẽ không khỏi có đôi chút hoang mang.
Dân du học chúng tôi luôn rỉ tai nhau “phải thật giản dị”, “không mặc quần Jean”, “con gái không trang điểm” nhưng cũng từng ấy thứ trái ngược, “nên chải chuốt”, “nên lịch sự”, “nên có một gương mặt rạng rỡ”… chẳng biết đâu mà lần.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mọi người Mỹ đều “trông mặt mà bắt hình dong”. Không đâu! Họ không đánh giá nhân cách hay gu thẩm mỹ, cái họ quan tâm là gia cảnh và mục đích tới Mỹ – điều trực tiếp ảnh hưởng đến tỉ lệ thành công khi xin Visa.
Là một trong số hàng nghìn “non-US citizen” (không phải công dân Mỹ) xếp thành hàng dài chờ tới lượt vào nộp thủ tục nhập cảnh, tôi hát thầm thật khẽ, tránh không phá vỡ sự im lặng bao trùm cả căn phòng khổng lồ.
“We are the face of our nation” (Chúng ta là gương mặt quốc gia), câu khẩu hiệu ấy nổi trên nền lá cờ sao vạch là poster nhắc nhở các cán bộ hải quan – họ ân cần một cách rất… kiệm lời.
7 giờ sáng ở Mỹ, những ánh nắng nhạt màu lan qua khung cửa kính rọi từ trên cao, một vài bóng ô tô hối hả chạy ngược chiều.
Ở nhà một mình
Kết thúc chuyến đi nửa vòng trái đất là 150 USD tiền taxi, tôi tự làm giàu vốn liếng của mình bằng một vài bài học nhỏ: “Đừng tiếc tiền mua vali tốt, vì 80kg hành lý không hợp với đồ “lởm” (vali của tôi đã hỏng khiến tôi không thể tiếp tục đi bus hay train).
Và nếu chấp nhận đi taxi, bạn nên có giao ước bằng giấy về tiền thanh toán, đừng để bác tài phải đề nghị bạn gọi điện nhờ ai đó trả hộ số tiền chênh lệch so với thỏa thuận ban đầu.
Giờ đây, mỗi lần nhớ lại quãng đường hơn 100km say ngất ngây trên chiếc xe cũ kỹ, không biết tài xế chở đi đâu, mà cũng chẳng còn sức lực để ý thức, tôi lại khâm phục mình dũng cảm.
Khi xe dừng trước cửa căn hộ thuê qua mạng từ Việt Nam, tôi biết rằng quyết định đi taxi cũng có đôi chút an ủi tinh thần vì nó không dễ tìm một chút nào.
Căn nhà hoàn toàn không có ai
Cả cửa trước và cửa sau đều không khóa, căn nhà biệt lập giữa một cánh đồng ngô, nhìn “từ góc sân nhà em” sẽ thấy đồi núi điệp trùng. Số đồ đạc khổng lồ tôi tự khuân vác, tự tìm phòng ở, cố trấn an mình đừng hoảng sợ. Ngày đầu ở Mỹ, tôi một mình.
Suốt tuần đầu ở đây, tôi ngủ một mình trong căn nhà lớn không cửa nẻo gì cả, giữa khoảng không bát ngát của những cánh đồng, của tiếng côn trùng rả rích và từng hồi gió thổi lạnh xám.
Thỉnh thoảng tôi cảm thấy quá sức
Ngày thứ 11, một anh bạn học say rượu đập cửa vào nhà, ngã loạng choạng và đe dọa lung tung, nguyên nhân là do thất tình với… tôi.
Ngày thứ 14, một nam sinh bị đánh chết trên con phố tấp nập nhất thị trấn.
Ngày thứ 17, một nam sinh khác chết do bị tàu hỏa đâm rất gần khuôn viên trường, hiện cảnh sát đang truy tìm tung tích “người đàn ông thứ 2” xuất hiện tại nhà ga cùng thời điểm.
Bản thân tôi cũng gặp một chút rắc rối với anh bạn say rượu nọ, một vài chi tiết rất dễ liên tưởng tới nguyên nhân gây ra thảm họa tại ĐH Virginia Tech.
Và ngày nào đường đi học cũng dài ngút ngát, qua một gầm cầu cao tốc, qua cánh đồng bạt ngàn, qua một sân bay với những chiếc máy bay trực thăng, máy bay chuồn chuồn ngộ như trong ảnh, thêm một nghĩa địa và một nhà thờ thì đến trường.
Bầu trời rộng và xanh, sải cánh đại bàng to khổng lồ khiến có đôi lần tôi sợ hãi. Vạch mây thẳng tắp, bao nhiêu máy bay cất cánh để lại khói động cơ và những đường ngang dọc trên vòm trời trong veo. Gió từ cánh quạt như muốn hất tung tôi đi với bụi đường, những trống trải của bước chân đi bộ khép nép trên vệ cỏ tránh từng chiếc xe tải lăn bánh hừng hực. Bấy nhiêu áp lực với một cô gái rất hiếm khi ra khỏi Hà Nội như tôi, thỉnh thoảng cũng là quá sức.
Băn khoăn là thế, nhưng khi đọc bài báo về trường hợp một bạn gái mới đây phải bỏ về khi không hòa nhập được với môi trường Mỹ, tôi lại dặn mình phải can đảm hơn.
Gần như là người Việt Nam duy nhất trong số 10 nghìn sinh viên của trường, đồng thời cũng là người duy nhất nhận được học bổng toàn phần, tôi có nhiều hơn một gánh nặng. Tôi có một gia đình, một niềm tự hào chờ đợi phía trước.
Những háo hức ban đầu đôi lúc mờ phai thành ám ảnh, nửa đêm tỉnh dậy phải mất một khoảng lặng mới nhớ ra mình đang không ở nhà…
Jessica Phạm
(Từ Pennsylvania)
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.