Những sai lầm của đàn ông trong gia đình

Sai lầm căn bản nhất của đàn ông là không chú ý đúng mức tới gia đình nên dẫn tới những đổ vỡ đáng tiếc. Đây là một sự thách đố, và cũng là một lời cảnh tỉnh đối với những người đàn ông quá coi trọng sự nghiệp mà coi nhẹ gia đình

Đàn ông coi sự nghiệp là trên hết. Họ được giáo dục từ bé như thế. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, con trai đã được bố dạy rằng đàn ông thì không được yếu đuối, phải dũng cảm vươn lên để làm những việc lớn.

Khi tiễn con đi xa, người mẹ mong con luôn mạnh khoẻ, người bố mong con chóng thành đạt. Hầu hết các chàng trai ngồi trong các giảng đường đại học đều mơ tới sự thành đạt của mình trên đường đời. Họ học hành, họ phấn đấu là cốt để thành đạt trong sự nghiệp.

Sau khi xây dựng gia đình riêng, hầu hết đàn ông đều khoán trắng công việc gia đình cho vợ, còn mình thì lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt trong sự nghiệp. Tề gia nội trợ, ấy là công việc của vợ. Nuôi dạy con cái cũng là công việc của vợ.

Người đàn ông quan tâm đến con cái và gia đình ít tới mức, một nhà tâm lý học người Mỹ đã đưa ra một tiêu chí sau: “Nếu một ông bố mỗi ngày dành 15 phút để chơi với con thì đó không phải là một người bố xấu”.

Một xã hội văn minh tiên tiến như xã hội Mỹ mà yêu cầu của một ông bố với con cái chỉ thế thôi, thì thật là thảm hại cho vai trò của người đàn ông trong gia đình. Chỉ cần 15 phút cho con thôi, thời gian còn lại của người đàn ông là công việc và sự nghiệp. Và vì đàn ông rất ít quan tâm đến gia đình và con cái nên mới có câu: “Con hư tại mẹ”. Tại sao không nói: “Con hư tại bố?”.

Hầu hết những người đàn ông mải mê kiếm tiền, mải mê sự nghiệp khi đã leo lên nhiều nấc thang danh vọng và tiền tài. Khi họ ngoảnh lại nhìn thì giật mình, thấy con cái của mình bị khiếm khuyết nhiều thứ về nhân cách, về tri thức.

Nhưng sự nhận biết này là quá muộn rồi, vì nhân cách của con người phải được rèn dạy, tu dưỡng từng ngày từ tấm bé và vai trò của người bố là vô cùng quan trọng. Rất nhiều người đàn ông khi bắt đầu thành đạt về tài chính và danh vọng, thì con cái họ cũng bắt đầu hư hỏng và việc giáo dục con lúc này là rất ít hiệu quả. Đó là cái giá mà người đàn ông phải trả cho sai lầm của mình.

Như thế vẫn chưa hết. Khi về hưu, nhìn lại thế hệ kế tục trong gia đình mình, những người đàn ông xem nhẹ gia đình lại giật mình nhận thấy rằng, chúng không thể tin cậy được. Dù các ông bố có thành đạt đến mấy mà con cái hư hỏng, thì sự thành đạt ấy cũng hoàn toàn vô nghĩa. Khi chúng ta chào đời, ai cũng khóc còn mọi người thì tươi cười. Chúng ta phải sống sao đó để khi chúng ta chết, tất cả mọi người đều khóc còn chúng ta thì có thể tự hào mỉm cười.

Theo_giadinh.net

Trả lời