6 ‘chiến lược’ trị trẻ biếng ăn
Sự thích nghi và hòa hợp với bé biếng ăn đòi hỏi tính chuyên nghiệp và ‘tư duy chiến lược’ từ phía phụ huynh.
Khi người lớn có thể lựa chọn cho chính mình thực đơn cơm hoặc phở thì bé chẳng có sự lựa chọn nào hơn ngoài việc ăn những gì được ăn, đó là sữa, bột, cháo, cơm. Chúng ta được quyền nói không, hay từ chối một món ăn nào đó vì không ngon hay chưa thấy đói, nhưng bé thì chỉ có quyền lựa chọn… hoặc cố gắng ăn hoặc ngậm chặt miệng… và dĩ nhiên vũ khí cuối cùng sẽ là… nôn ra. Thế mới biết vẫn còn nhiều hơn thế những cái gọi là “bất công” với thực khách nhí của chúng ta! Đã đến lúc cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về tính “dân chủ” và “dân quyền” của bé trong chuyện ăn.. Như một tất yếu, sự thích nghi và hòa hợp với bé biếng ăn cũng đòi hỏi sự nỗ lực nhất định và chuyên nghiệp hơn cùng với những “tư duy chiến lược” từ phía phụ huynh.
Chiến lược 1: Hãy để cho bé cơ hội được “đói”
Chúng ta vẫn quen nghĩ là bé chắc chắn sẽ bị đói vào đúng giờ ăn chính vì đồng hồ sinh học và thói quen của người lớn mách bảo chúng ta như thế. Vậy chúng ta có bao giờ tự hỏi bé nhà mình có biết đói không nhỉ? Và nếu có thì lúc nào bé sẽ có cảm giác đói? Dường như vai trò của bố mẹ không cho phép chúng ta để nhóc “kịp” rơi vào tình trạng đói. Và dù bé có đói hay không thì bé vẫn phải ăn đúng giờ quy định của bố mẹ vì như thế mới là ăn uống điều độ và có nguyên tắc chứ. Điều này rất tốt nếu như bé đã vượt qua được chứng biếng ăn và bé cũng đã đủ lớn để tập quen dần thói quen điệu kiện này… Còn bây giờ, chúng ta hãy can đảm và kiên nhẫn hơn để quan sát và đợi chờ những dấu hiệu chứng tỏ bé đã đói thực sự. Khi đó chính bạn sẽ là người ngạc nhiên nhất vì những biểu hiện tích cực như một phép màu. Bé sẽ biết đòi ăn, ăn ngon lành như chưa bao giờ được ăn. Thử xem bạn nhé.
Chiến lược 2: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Nếu đã xác định được giờ đói của bé thì cũng đừng vội trao tặng cho bé một bữa ăn hoành tráng như chúng ta vẫn thường mong đợi. Mỗi bé đều có một khả năng ăn một số lượng thực phẩm nhất định. Đừng nghĩ rằng bé Ba kế bên nhà ăn được 2 bát đầy thì con mình cũng phải bằng anh bằng chị! Hãy biết kiên nhẫn và dùng chiến lược chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần khác nhau trong ngày sẽ rút ngắn thời gian ăn bé sẽ dễ tiêu hóa hơn, ăn ngon miệng hơn, và dĩ nhiên thời gian cáu gắt bực bội trong bữa ăn sẽ ít hơn.
Chiến lược 3: “Bình mới rượu cũ”
Trong lịch sử ăn ngậm của bé trước đây, những tô chén bát đĩa đôi khi là một ký ức khó quên hay thậm chí đã trở thành một ác cảm lớn đối với những bé biếng ăn, sợ ăn. Hãy thay đổi càng nhiều càng tốt , càng phong phú chủng loại, màu sắc kích thước, hình dáng, theo từng món ăn hoặc bữa ăn sẽ làm cho bé có những cảm giác mới lạ, thích tìm hiểu và vui hơn trong giờ ăn. Sự ngạc nhiên và niềm vui nho nhỏ đó sẽ giúp bé cởi mở hơn và dễ chấp nhận những thử thách khi đối đầu với những món ăn mới.
Chiến lược 4: “Thà làm cá nhỏ trong ao lớn còn hơn làm cá lớn trong ao nhỏ”
Đôi khi một cái tô, cái đĩa thật to nhưng bên trong thì lại lèo tèo, lạc lõng vài miếng rau, vài muỗng cơm, vài lát thịt hay vài muỗng cơm… sẽ đánh lừa thị giác của bé. Nhờ cảm giác “ít ỏi” của khẩu phần ăn này sẽ làm bé thấy dễ “xử” hơn là một bát cơm đầy trong một chén hay đĩa nhỏ.
Chiến lược 5: “Có còn hơn không”
Đôi khi không nhất thiết một ngày bé phải có đủ 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Và trong mỗi bữa chính không nhất thiết phải đong đếm cho đủ một hay hai bát cơm/ cháo. Với bé biếng ăn một bữa cơm chính cũng có thể tạo nên một áp lực không nhỏ cho chính bé và cả nhà. Vậy thì có thể bỏ qua một bữa chính nào đó nếu bé đã kéo dài hơn 30 phút mà vẫn không xơi hết khẩu phần. Thay vào đó là hàng loạt những bữa ăn phụ và nhẹ nhàng hơn sẽ làm cho bé và cả phụ huynh “dễ thở” hơn vì khái niệm ăn vặt vốn đã rất quen thuộc với bé. Có thể bé chỉ ăn được một bát nhưng bù lại bé lại rất thích uống sữa hay ăn được một loại thức ăn dinh dưỡng thay thế nào khác. Nếu bé không ăn được rau quả luộc thì tại sao không cho bé ăn thật nhiều trái cây mà bé yêu thích? Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý đến tính dinh dưỡng hợp lý và khoa học của những bữa ăn nhẹ hơn là yếu tố về số lượng hay những thức ăn chỉ tạo năng lượng rỗng như kem nước ngọt hay chocolate.
Chiến lược 6: “Treo đầu rau bán thịt cá”
Là biện pháp ngoạn mục đòi hỏi khả năng trình bày và yếu tố nghệ thuật ẩm thực nhằm đánh lừa yếu tố tâm lý của bé. Ví dụ đố với những bé “kén cá chọn canh” thì việc chỉ biết có thịt mà không chịu ăn cá là chuyện thường ngày. Chúng ta có đủ sự tưởng tượng để “ngụy trang kiểu Úc” một loại thức ăn nào đó trong cái vỏ bọc khác. Đôi khi một cái tên gọi mới để thổi hồn vào món ăn cũ cũng cần thiết. Ví dụ: bạn gọi đây là món “cá chiên” hay nên hình tượng hóa hay chế biến thành món “chả cá nhúng dầu, hay cá thu xối mỡ”? … Một cái tên lạ sẽ làm bé tò mò và muốn thử đấy!
Vẫn còn nhiều nữa nhiều chiêu thức và chiến lược nhưng cuối cùng, bản thân mỗiphụ huynh nên vận dụng và tìm cho chính mình một chiến lược hợp lý nhất để tiếp cận và thuyết phục “đối tượng” một cách ngoạn mục nhất. Hơn cả những chiến lược đối đầu là một chiến lược “thay thế” nhẹ nhàng đầy tính thuyết phục.
nguồn: eva
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.