Thâm nhập châu Á từ năm 1971 với cửa hàng đầu tiên ở thủ đô Tokyo của Nhật, McDonald’s dần mở rộng sự hiện diện của họ tại khu vực Đông Nam Á và các nước lân cận.
Cuối tháng 8 vừa qua, một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn nổi tiếng này đã đến thăm và làm việc với vài đối tác nhượng quyền (franchise) tiềm năng nhằm xúc tiến việc khai trương nhà hàng đầu tiên tại TP HCM. Thời điểm cụ thể tuy vẫn chưa được xác định, nhưng vị đại diện này cho biết McDonald’s dự kiến sẽ có mặt chính thức tại Việt Nam trong vòng 2 năm tới.
Những cựu du học sinh Singapore hay Pháp, đa số là người trẻ, đều tỏ ra khá hào hứng với thông tin này. Một khảo sát nhanh được thực hiện tại một trường đại học quốc tế lớn ở TP.HCM cũng đưa ra kết quả tương tự. Và có một điều thú vị rằng, 2/3 số sinh viên bày tỏ sự thích thú đều chưa bao giờ ăn McDonald’s mà chỉ biết đến thương hiệu này thông qua bạn bè, báo chí hay internet.
Thực chất, khi Việt Nam vừa gia nhập ASEAN vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, chính McDonald’s mới là tập đoàn thức ăn nhanh có mặt sớm nhất tại đây. Tuy nhiên, nhà hàng đầu tiên của họ tại TP.HCM phải đóng cửa không lâu sau đó vì nhiều nguyên nhân khách quan.
Đến năm 1997, chuỗi nhà hàng gà rán KFC (thuộc Yum! Brands) mới có mặt và chính thức đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp thức ăn nhanh tại Việt Nam. Trải qua hơn 15 năm hoạt động với rất nhiều khó khăn, KFC đã cùng với Lotteria (Hàn Quốc) và Jollibee (Philippines) nắm giữ những thị phần đáng kể của thị trường thức ăn nhanh tại đây.
KFC đã có 116 cửa hàng và Lotteria đã mở 107 nhà hàng tại các đô thị lớn. Jollibee tuy chỉ có khoảng 30 nhà hàng nhưng họ cũng đã có kế hoạch nâng con số này lên 500 trong vòng 2 năm tới. Đó là chưa kể đến sự hiện diện của hàng loạt các tên tuổi trong và ngoài nước khác như Phở 24, Pizza Hut, Pizza Inn, Domino Pizza, Carl’s Jr. hay mới đây nhất là Burger King.
Những tay chơi này đang cùng nhau chia sẻ ngành công nghiệp trị giá hơn 40 triệu USD của Việt Nam, tính đến hết năm 2011. Tỏ ý trở lại khi thị trường đã bị chia 5 xẻ 7, có thể nói Việt Nam sẽ là một thách thức không nhỏ đối với McDonald’s.
Đầu tiên, thức ăn nhanh đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của giới trẻ. Khảo sát ngành công nghiệp thức ăn nhanh do Nielsen Vietnam thực hiện vào năm 2010 cho thấy có đến 86% khách hàng tiêu thụ sản phẩm này thuộc độ tuổi từ 20-35. Là người đến sau, McDonald’s cũng sẽ hưởng lợi từ những thành quả mà KFC đã dày công xây dựng tại đây. KFC từng cho biết họ đã phải chịu lỗ liên tục trong 7 năm trời chỉ để hình thành thói quen dùng fastfood cho người Việt.
Thêm vào đó, McDonald’s sẽ không phải gặp quá nhiều khó khăn để hoàn thiện một chuỗi cung ứng chuẩn cho hệ thống nhà hàng của họ tại Việt Nam. Các nhà sản xuất trong nước hiện nay đã có khá nhiều kinh nghiệm phối hợp với các hệ thống fastfood như KFC, Lotteria hay Jollibee. Và ngay cả trong trường hợp không tìm được đối tác cung ứng một loại nguyên liệu nào đó thì McDonald’s vẫn có thể dễ dàng nhập khẩu từ những thị trường trong khu vực lân cận như Trung Quốc, Thái Lan hoặc Australia (giống như cách mà McDonald’s Singapore đang thực hiện).
Hơn nữa, tuy McDonald’s sẽ không thể dựa quá nhiều vào các hoạt động kinh doanh bất động sản để phát triển tại Việt Nam trong thời gian đầu bởi vì luật không cho phép người nước ngoài sở hữu đất tại đây, nhưng đó cũng chính là vấn đề mà họ đã tìm ra được cách giải quyết tại thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. “Bắt chước” KFC thành lập liên doanh tại Việt Nam hoặc bán master franchise để các đối tác phát triển sẽ là những sự lựa chọn khả thi giúp McDonald’s thâm nhập thị trường một cách hiệu quả.
Kế đến, mặc dù vào thị trường khá lâu sau các đối thủ và nhiều vị trí thuận lợi đều bị chiếm mất, nhưng địa điểm đẹp để McDonald’s phát triển nhà hàng sẽ không quá khan hiếm. Ở những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, vẫn còn có nhiều mặt bằng nằm ở những vị trí rất “chiến lược” nhưng đến nay vẫn chưa có ai đủ khả năng tài chính hay “quen biết” để lấy về. Đây cũng là lý do mà McDonald’s luôn yêu cầu đối tác master franchisee ở Ấn Độ, Trung Quốc hay Việt Nam đều phải mạnh cả về vốn lẫn các mối quan hệ tại địa phương. Thêm vào đó, hệ thống các cao ốc, siêu thị hay trung tâm thương mại hiện đại vẫn đều đặn mọc lên mỗi ngày trong xu thế đô thị hóa nhanh chóng (bất chấp nền kinh tế không mấy sáng sủa) đã và đang tạo ra thêm nhiều mặt bằng đẹp cho các chuỗi fastfood tại Việt Nam.
Cuối cùng, khả năng thu hút sự quan tâm của thị trường đối với McDonald’s nhờ vào danh tiếng đã được tạo dựng sẵn trên toàn cầu của họ là rất khả quan. Vấn đề mức giá cũng không phải là trở ngại quá lớn, bởi vì trong tâm lý người Việt thì fastfood vẫn đang được nhìn nhận như là món ăn cao cấp. Tất nhiên, khi KFC vẫn đang theo đuổi chiến thuật giá thấp, McDonald’s chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ về vấn đề này nếu muốn cạnh tranh được với đối thủ “truyền kiếp” này tại đây.
Tuy có nhiều tiềm năng phát triển như vậy, nhưng một nhà tư vấn chiến lược người Canada gốc Việt đã tính toán rằng cơ hội franchise cho cá nhân của McDonald’s tại thị trường Việt Nam sẽ không khả thi.
Theo ông, mức doanh thu bình quân của một nhà hàng McDonald’s ở Canada là 2,4 triệu USD/năm và lợi nhuận khi đó cũng đạt tầm 270.000 USD/năm. Hấp dẫn hơn, nếu được McDonald’s chấp nhận bán franchise thì cá nhân sẽ chỉ phải bỏ ra 25% tổng số vốn cần thiết để đầu tư, phần còn lại sẽ được ngân hàng cho vay không cần thế chấp. Trong khi đó tại Việt Nam, sẽ không tìm được ngân hàng nào cho vay kiểu như vậy mà không buộc thế chấp tài sản. Ngoài ra, những người có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được franchise của McDonald’s vì một trong những yêu cầu của tập đoàn này đối với franchisee là phải trực tiếp điều hành nhà hàng và có kinh nghiệm quản lý kinh doanh.
Quan trọng hơn, bài toán chi phí mặt bằng mới là vấn đề lớn nhất mà franchisee của McDonald’s tại Việt Nam sẽ phải đối mặt. Chi phí đầu tư cho một nhà hàng Jollibee mới tại TP.HCM với diện tích hơn 100 m2 cách đây 2 năm đã là 200.000 USD. Chi phí cho nhà hàng mới của KFC, Lotteria và McDonald’s (nếu có) chắc chắn cũng sẽ không thấp hơn con số này vào thời điểm hiện tại. Giả sử một franchisee của McDonald’s thuê được mặt bằng cực đẹp trên đường Đồng Khởi (trung tâm TP.HCM) với giá khoảng 20.000 USD/tháng và đạt doanh thu cực tốt là 270.000 USD/năm (như ở Canada). Khi đó, với tiền thuê mặt bằng 240.000 USD/năm cộng với các chi phí hoạt động khác, dự kiến người franchisee này sẽ phải kinh doanh trong vòng ít nhất 10 năm mới đạt đến mức hoàn vốn.
Có thể thấy, bán franchise cho cá nhân sẽ không phải là một hướng đi khả thi để McDonald’s phát triển tại Việt Nam. Và đó cũng không phải là cách làm của họ tại hầu hết các thị trường châu Á lớn khác. Tại Trung Quốc, họ liên doanh với Tổng công ty nông nghiệp, công nghiệp và thương mại Bắc Kinh (một công ty quốc doanh) ngay từ thời điểm ban đầu thâm nhập thị trường và chỉ bắt đầu bán franchise cho cá nhân sau 13 năm hoạt động.
Ở Ấn Độ, McDonald’s bán master franchise cho 2 tập đoàn lớn là MD Vikram Bakshi và Connaught Plaza Restaurants Ltd. Đến nay, tập đoàn này vẫn chưa bán franchise cho cá nhân. Điểm chung của cả 3 master franchisee được McDonald’s chọn này là họ đều sở hữu sẵn một lượng lớn bất động sản thích hợp cho việc kinh doanh fastfood.
Tại Việt Nam, như đã đề cập ở phần đầu bài viết, đã có một tập đoàn bán lẻ bất động sản và một hãng kinh doanh thời trang đang cùng đeo đuổi McDonald’s để trở thành master franchisee của chuỗi này. Tuy cả 2 doanh nghiệp trên đều đang có những thế mạnh về mặt bằng bán lẻ, khả năng tài chính và kinh nghiệm làm ăn, chúng ta vẫn không thể loại trừ khả năng McDonald’s sẽ thành lập liên doanh (như đã làm ở Trung Quốc) để cạnh tranh trực tiếp với KFC Vietnam, chuỗi fastfood đang dẫn đầu ngành với 60% thị phần.
Nếu để ý, dễ nhận thấy rằng song song với tốc độ phát triển nhanh chóng về số lượng thì chất lượng những địa điểm xây dựng nhà hàng của KFC Vietnam cũng rất tốt. Để làm được điều đó, chắc chắn không thể không nhắc đến vai trò của một số nhân vật tiếng tăm trong giới kinh doanh có mối liên hệ mật thiết với KFC Vietnam. Đã phát triển tốt ở Trung Quốc nhờ hợp tác với một tổ chức kinh tế của nhà nước, rõ ràng McDonald’s cũng đã biết cách để thích nghi với môi trường kinh doanh có đặc trưng tương tự Việt Nam.
Cùng với xu thế đẩy mạnh mở rộng và phát triển tại các thị trường châu Á, rõ ràng Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của McDonald’s. Tuy mọi kế hoạch vẫn còn nằm ở thì tương lai, nhưng sự kiện “ông lớn” fastfood này có ý định quay trở lại Việt Nam chắc chắn sẽ là một cú hích tốt cho thị trường. Khi đó, người được hưởng lợi lớn nhất không ai khác hơn sẽ là người tiêu dùng. Bởi lẽ, sự hiện diện của McDonald’s sẽ khiến cho tất cả các chuỗi fastfood còn lại phải nỗ lực hơn nữa nếu không muốn bị ‘nuốt’ mất thị phần hiện có.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.