Từ năm 1990 đến nay anh đã tham gia đầu tư, cùng hợp tác đầu tư tại Việt Nam tổng cộng 30 dự án với trị giá hơn 285 triệu USD, qua đó tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động, doanh số hàng năm trung bình 460 triệu USD.
Thành công trong sự nghiệp với vai trò là thanh tra tài chính các nhà thầu của Hãng Boeing – Mỹ, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi về phát triển quê hương, Jonathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng thành viên – TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã trở thành một trong những doanh nhân Việt kiều thuộc thế hệ đầu tiên đem tài năng và kinh nghiệm của mình về cống hiến cho tổ quốc.
Đặc biệt với việc tiên phong mở đường bay chính thức giữa VN và Philippines, cùng với những “chìa khóa” khác, Johnathan Hạnh Nguyễn đóng góp vào sự mở cửa hội nhập của VN bằng “chìa khóa” của riêng mình.
“Mở cửa” bầu trời
Sinh năm 1951 ở Nha Trang, 23 tuổi, Johnathan Hạnh Nguyễn sang định cư tại Philippines, sau đó sang Mỹ du học và trở thành thanh tra tài chính của Hãng Boeing – Mỹ. Trở lại VN đúng thời điểm đất nước chuẩn bị tiến hành công cuộc đổi mới – những năm 80 của thế kỷ trước, theo đó việc mở cửa thông thương với bên ngoài trở thành yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, để mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới, trước hết phải phát triển hàng không, sau đó mở cửa các cảng biển quốc tế. Với vai trò Tổng đại diện của Philippines Airlines tại khu vực Đông Dương, chịu trách nhiệm điều hành Hãng hàng không Philippines ở khu vực này, ông nhận thấy mình phải làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho sự kiện mở cửa hội nhập của đất nước.
Chính tại thời điểm này, lời mời hợp tác của Chính phủ hoàn toàn phù hợp với tâm nguyện cống hiến khiến Johnathan Hạnh Nguyễn vững tầm trước hướng đi mới của mình. Chính vì vậy, năm 1985, ông trở thành người đầu tiên mở đường bay chính thức giữa hàng không VN và hàng không Philippines. Thời điểm những năm 1980, việc đi lại giữa VN và các nước trong khu vực rất hạn chế, nhất là bằng đường hàng không.
Chủ tịch Hạ viện Philippines Sonny Belmonte đã thông qua Nghị quyết ghi nhận công lao đóng góp của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, cựu Đại diện Philippine Airlines tại khu vực Đông Dương.
Đường bay chính thức giữa VN và Philippines được đưa vào khai thác đã thúc đẩy mạnh mẽ việc mở cửa, thông thương của VN; qua đó không chỉ thuận tiện hóa việc đi lại của hành khách giữa hai nước mà còn đáp ứng hiệu quả nhu cầu vận chuyển hàng hóa, quà biếu của bà con Việt kiều từ các nơi trên thế giới về VN sau khi được gom về tại Philippines. Với ý nghĩa đó, đường bay này được ghi nhận là cột mốc quan trọng của ngành hàng không VN thời bấy giờ. Bởi thời đó, tất cả các tuyến bay đi và về VN đều phải qua Bangkok, Thái Lan.
Là một tiến sĩ về kinh tế học ở Mỹ, ông cũng biết tỉ lệ rủi ro rất lớn, thậm chí lên tới 90% bởi những năm 1985 – 1986 lượng khách nước ngoài vào VN rất ít do thủ tục visa khó khăn. Nhưng cuối cùng, ông đã thuyết phục được đối tác Philippines rằng đây không phải là việc làm cho 2 – 3 năm, mà là làm cho 10 – 20 năm sau. Thực tế, trong 3 năm đầu đi vào hoạt động của đường bay Philippines, chuyến bay nào cũng lỗ và số tiền lỗ lên tới 5 triệu USD. Nhưng cho đến nay, Vietnam Airlines đã lớn mạnh và có nhiều đường bay thẳng đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Với những đóng góp tích cực trong việc thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước VN – Philippines, tháng 5/2012 vừa qua Hạ viện Philippines đã chính thức ra Nghị quyết vinh danh ông.
“Mở” hầu bao + “mở” trái tim = tạo niềm tin
Thành công của đường bay VN và Philippines cũng bắt đầu mở ra cho doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn ý định đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng và có nhiều lợi thế phát triển của VN. Tuy nhiên, phải tới thời điểm Hoa Kỳ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với VN, ông mới bắt đầu những hoạt động kinh tế sôi động tại quê nhà. Với nhiệt huyết sôi sục, ông bắt tay vào đẩy mạnh hợp tác, tạo đà phát triển cho ngành hàng không, du lịch và thương mại của VN sau này. Cũng thời gian này, ông tích cực vận động để Chính phủ hai nước VN – Philippines cho phép TP HCM và TP Manila, TP Nha Trang và TP Quezon được kết nghĩa, mở đường cho sự phát triển quan hệ đối ngoại của VN với các nước trong khu vực và trên thế giới về sau này.
Thời kỳ đầu mở cửa, nền kinh tế VN đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức: thiếu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập… Thêm vào đó, luật đầu tư chưa có, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như chưa có cơ sở pháp lý cũng như niềm tin để đầu tư vào VN. Để thuyết phục họ, ông lấy uy tín và chính tài sản vốn góp của mình ra để đảm bảo. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi cùng uy tín sẵn có, từ năm 1990 đến nay anh đã tham gia đầu tư, cùng hợp tác đầu tư và đưa về đầu tư tại VN tổng cộng 30 dự án với trị giá hơn 285 triệu USD, qua đó tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động người Việt. Các dự án này sau đó đều thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao như : Xí nghiệp dây khóa kéo Nha Trang, Xí nghiệp chế biến hàng song mây xuất khẩu Nha Trang, Khách sạn Nha Trang Lodge, Xí nghiệp liên doanh sản xuất ôtô Hòa Bình, Siêu thị miền Đông, Xí nghiệp nước khoáng Sasco Waterman…
Các nhà máy, Cty hoạt động thành công, thu được lợi nhuận cao với , không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động mà còn góp phần tạo nên những đổi thay trong diện mạo của nền kinh tế đất nước, biến những vùng đất hoang hóa thành những khu dân cư đông đức, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế khu vực. Và điều quan trọng là đã tạo được niềm tin cho các đối tác nước ngoài vào môi trường đầu tư tại VN.
Hiện tại, IPP đang hoạt động rất thành công với hàng chục dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực thương mại, địa ốc, khách sạn, du lịch… trải đều khắp cả nước. tỉ lệ thuận với những nỗ lực không mệt mỏi bỏ ra, phần doanh thu, lợi nhuận Cty thu về cũng có sự tăng trưởng đột biến. Nếu như năm 2005, tổng doanh thu của IPP chỉ vào khoảng 132 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 6,3 tỉ đồng, nộp thuế 5,2 tỉ đồng thì đến năm 2011, tổng doanh thu đã tăng gấp 30 lần, đạt 3.908 tỉ đồng, lợi nhuận đạt hơn 203 tỉ đồng, nộp thuế 248 tỉ đồng. Giai đoạn 2010 – 2012, IPP tạo bước đột phá với các dự án lớn nhất và đầu tiên ở VN về kinh doanh thời trang cao cấp, bao gồm: dự án Trung tâm mua sắm hàng thời trang cao cấp Rex Arcade tại Khách sạn Rex hợp tác đầu tư cùng Saigon Tourist (khai trương tháng 12/2010); Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza – Hà Nội hợp đồng hợp tác quản lý với Cty TNHH DV TM Tràng Tiền; kinh doanh các cửa hàng cao cấp tại Vincom – Eden (khai trương tháng 10/2012)… Ngoài ra từ năm 2005, IPP cũng đã mạnh dạn đầu tư và trở thành một trong những nhà cung ứng hàng hóa chính yếu tại các khu kinh tế cửa khẩu như : Mộc Bài – Tây Ninh, Lao Bảo – Quảng trị, Kim Thành – Lào Cai, Móng Cái – Quảng Ninh, Tịnh Biên – An Giang… với doanh số hàng năm trung bình 200 triệu USD cho tất cả các Cty trực thuộc tổng công ty của anh.
Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta
Chú trọng phát triển hoạt động kinh doanh nhưng IPP vẫn không quên hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của mình. Đó cũng chính là con đường dựng xây văn hóa DN mà “Thuyền trưởng” Johnathan Hạnh Nguyễn luôn nỗ lực chèo lái. Không chỉ nỗ lực gắn kết kinh doanh với trách nhiệm đối với cộng đồng, với toàn xã hội, anh còn luôn hướng DN mình đến với những hoạt động an sinh xã hội giàu ý nghĩa, như một sự tri ân đối với cộng đồng và toàn xã hội. Đi qua hơn nửa cuộc đời với những trải nghiệm đủ để rèn bản thân sống bản lĩnh hơn, sống có ích hơn, anh luôn tâm niệm một doanh nhân thành đạt chính là do được xã hội tạo điều kiện cho bản thân họ làm giàu. nhưng sự giàu có đó nếu được chia sẻ đến toàn xã hội mới thực sự bền lâu và có ý nghĩa. Vì lẽ đó, suốt những năm qua, anh cùng IPP liên tục tham gia các hoạt động từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng trường học cho các em học sinh và nhà ở cho các thầy cô giáo vùng xa tại huyện Hương Hóa (tỉnh Quảng Trị), huyện Tịnh Biên (An Giang), huyện MĐrắk (Đắk Lắk), Dinh Bà (Đồng Tháp). Đồng thời tham gia đóng góp vào các quỹ đền ơn đáp nghĩa của các chương trình xã hội tại các địa phương thuộc Tây Ninh, Lào Cai, Quảng Trị, Tp HCM, An Giang… với tổng số tiền đóng góp qua 4 năm (2008 – 2011) gần 35 tỉ đồng. Năm 2012 anh và IPP tiếp tục đóng góp cho quỹ học bổng “Vừ A Dính” và quỹ “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”. Từ những đóng góp thầm lặng nhưng giàu ý nghĩa này, nhiều mảnh đời bất hạnh đã được cứu vớt và những khát khao tưởng chừng sắp tàn lụi lại được chắp cánh, tràn trề hi vọng trong tương lai.
Sau hơn 25 năm miệt mài với khát vọng làm giàu cho quê hương đất nước, hồi tưởng lại những thăng trầm đã trải, ông tâm sự : “khi đã nhìn thấy được hiệu quả công việc mình làm, tôi nghĩ tôi đã học được câu nói bất hủ : “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc?”. Câu hỏi đó luôn theo tôi khi tôi trở về VN, thúc giục tôi gánh vác những việc mà mình có thể làm được. Lúc đầu cũng thua lỗ nhiều lắm, vì 10 năm đầu mở cửa, VN vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chính câu hỏi đó đã khiến tôi mạnh dạn làm và thành công”.
Chúng tôi xin mượn câu nói của ông để làm lời kết trọn vẹn cho chân dung một người con đất Việt.
Theo doanh nhân
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.