Đó là điều doanh nghiệp nên làm vào lúc này để ứng phó với áp lực lạm phát cao, tỉ giá biến động mạnh và lãi suất khó hạ nhiệt.
Lãi suất tăng cao sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong những ngành đòi hỏi vốn lớn như bất động sản.
Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2010 khép lại với nhiều điểm sáng như tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội đạt 6,78%, vượt chỉ tiêu 6,5% hay xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng 25,5% so với năm 2009, nhưng cũng trong năm này, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lạm phát đã lên tới 11,75%. Tiền đồng liên tục giảm giá. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã lên tới 19-20%/năm trong những tháng cuối năm 2010. Điều này đã khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Những yếu tố bất lợi trên được dự báo sẽ tiếp tục tiếp diễn trong năm 2011. Xét bức tranh kinh tế toàn cầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, thế giới đang đối mặt với một số bất ổn. Đó là việc tiếp diễn tình trạng mất cân đối cung cầu lương thực, giá năng lượng leo thang (do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ – OPEC quyết định không tăng sản lượng dầu), thách thức về môi trường do biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro.
Tối ưu hóa hoạt động
Nhìn lại tình hình trong nước, sức ép lạm phát khiến giá hầu hết nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đều tăng. Theo Bộ Công Thương, nhiều khả năng trong năm 2011, thị trường sẽ chứng kiến đợt tăng giá điện mới. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cũng có kế hoạch tăng giá bán than. Vì thế, những ngành sử dụng nhiều điện, than như thép, xi măng được dự báo sẽ bị tác động mạnh nhất. Trong báo cáo phân tích của mình, Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) ước tính, nếu giá điện tăng khoảng 30-40%, giá thành 1 tấn thép sẽ tăng thêm khoảng 6-7%.
Tình trạng đội giá nguyên vật liệu cũng đang xảy ra ở các ngành nghề khác. Vì thế, trong năm qua, dù các doanh nghiệp niêm yết ước đạt mức tăng doanh thu bình quân 20-25% nhưng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận chỉ ở mức khiêm tốn 0-2% so với năm 2009.
Để đối phó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết, năm 2011, Công ty sẽ duy trì lượng tồn kho hợp lý và tự sản xuất một phần thép cán nguội nhằm chủ động và ổn định nguồn nguyên vật liệu. Ngoài ra, từ năm 2011, HSG cũng đưa một số dây chuyền mới vào hoạt động. Điều này sẽ góp phần gia tăng sản lượng cho Công ty.
Tăng năng suất sản xuất và doanh thu để bù đắp chi phí nguyên vật liệu cũng là cách được Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nghĩ tới. Một quy trình sản xuất khép kín đã giúp HPG tiêu hao ít nhiên liệu. Ngoài ra, Công ty cũng quyết định đẩy nhanh tiến độ đầu tư giai đoạn 2 Khu Liên hiệp Gang thép Hòa Phát ở Hải Dương vì sản xuất thép bằng công nghệ lò cao mang lại tỉ suất lợi nhuận 10% so với 5-6% của việc sản xuất thép bằng lò điện.
Để tối ưu hóa hoạt động, một số doanh nghiệp còn cơ cấu lại bộ máy. Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) đã giải thể, sáp nhập, bán bớt đơn vị hoạt động không hiệu quả. Sang năm 2011, PET dự tính sẽ cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, chỉ giữ lại 2 doanh nghiệp mà PET nắm giữ 100% vốn.
Một số công ty như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty Cổ phần Địa ốc Đất Xanh (DXG) thì tính chuyện lập các công ty con để chuyên môn hóa hoạt động kinh doanh. Tất cả không ngoài mục đích tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu, cải thiện tỉ suất lợi nhuận.
Phòng ngừa rủi ro tỉ giá
Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ứng phó rủi ro tỉ giá là điều được ưu tiên hơn cả. Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, tốt hơn hết, doanh nghiệp nên tính chuyện bán hàng đến đâu thu tiền về đến đó để tránh rủi ro tỉ giá. Bên cạnh đó, ông Trần Quang Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (TIX), cho biết, TIX còn lập công ty tại Mỹ để hỗ trợ hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, tránh những rủi ro trong thanh toán.
Doanh nghiệp cũng có thể phòng ngừa rủi ro tỉ giá bằng cách chọn lựa ngoại tệ thanh toán và sử dụng các công cụ phái sinh như giao dịch kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap), giao dịch quyền chọn (option). Đặc biệt, điều cần làm là thường xuyên theo dõi và dự đoán biến động tỉ giá.
Diễn biến mới nhất về tỉ giá là cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng mạnh tỉ giá liên ngân hàng lên 20.693 VND/USD, từ mức 18.932 VND/USD trước đó (tăng đến 9,3%), đồng thời giảm biên độ giao dịch từ +/-3% xuống +/-1%. Động thái này là nhằm tăng cung ngoại tệ cho các ngân hàng và giúp kéo tỉ giá niêm yết và tỉ giá trên thị trường tự do lại gần nhau hơn. Có thể thấy, cuối năm 2010, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại do phải mua USD với tỉ giá tự do, nhưng hạch toán sổ sách thì ghi tỉ giá chính thức. Vì thế, việc bình ổn tỉ giá sẽ giúp họ tránh được thiệt hại và có thể chủ động hơn trong việc vạch ra chiến lược kinh doanh.
Bảo toàn vốn
Năm qua, lãi suất tăng mạnh đã gây không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong những ngành đòi hỏi vốn lớn như bất động sản. Trong tổng vốn đầu tư vào các dự án bất động sản của Việt Nam, ước tới 60% là vốn vay ngân hàng. Vì thế, trước việc mặt bằng lãi suất khó hạ nhiệt, TIX đã giãn tiến độ đầu tư và bán các căn hộ chung cư tại quận Tân Phú, Tân Bình (TP.HCM) để hạn chế sử dụng vốn vay.
Đối với những ngành nghề khác, để giải quyết bài toán vốn, doanh nghiệp cần tranh thủ sự hỗ trợ từ đối tác, khách hàng. Chẳng hạn, khi nhận đơn hàng, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác ứng tiền mua nguyên phụ liệu. Với cách thức này, doanh nghiệp không phải vay ngân hàng và sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh không nhỏ. Tuy nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp phải có sự hợp tác tốt với đối tác. Đặc biệt, doanh nghiệp phải chấp nhận chia sẻ lợi ích với đối tác, như giảm giá bán nếu họ ứng tiền trước.
Biện pháp chủ động hơn là bảo toàn vốn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận bỏ qua những cơ hội mở rộng quy mô sản xuất. Trên thực tế, trong năm 2010, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng với mục đích đón đầu cơ hội khi kinh tế phục hồi. Nhưng với mức lãi suất cao như hiện tại, không ít dự án phải bị hoãn lại vì không có vốn hoạt động.
Theo doanh nhân
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.