Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cố tổng giám đốc Apple Steve Jobs đều là những nhà quản lý chuyên quyền, thậm chí bị coi là độc tài.
Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1965, Singapore đã đạt được những bước chuyển mình không tưởng. Chỉ trong vòng 20 năm sau đó, nền kinh tế Singapore phát triển gấp 8 lần và mức tăng trưởng bình quân GDP/người cũng tăng gấp 4 lần.
Kiến trúc sư cho những sự thay đổi đó chính là Lý Quang Diệu, người lãnh đạo Singapore trong giai đoạn 1959-1990. Và để làm được như vậy, ông đã dùng quyền lực của mình tác động vào mọi khía cạnh cuộc sống của người dân nước này.
Để hạn chế gia tăng dân số, ông quy định phụ nữ sinh con thứ ba trở đi sẽ được hưởng thời gian nghỉ thai sản ngắn hơn, đồng thời phải chi trả mức viện phí cao hơn và quyền giảm trừ thuế của họ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, chính phủ nước này còn thưởng 5.000 SGD cho bất cứ cặp vợ chồng nào chấp nhận triệt sản sau đứa con thứ hai. Họ cũng sẽ được ưu tiên đăng ký mua nhà ở giá thấp và con cái của họ được chọn trường dễ dàng hơn.
Về quản lý trật tự xã hội, những hành vi như xả rác, hút thuốc hay khạc nhổ nơi công cộng đều bị phạt tiền.
Ông Lý cũng là nhà lãnh đạo Singapore đầu tiên tuyên chiến với thuốc lá. Trong những tuần lễ “Không Thuốc lá”, bảng quảng cáo điện tử ở các trung tâm thương mại đều phải hiển thị các thông điệp kêu gọi ngừng hút thuốc. Cùng với nhiều biện pháp nghiêm khắc, tỉ lệ người dùng thuốc lá trong dân số nước này đã giảm từ 23% xuống chỉ còn khoảng 13%.
Một đạo luật khác được ông Lý ban hành chính là việc người lao động phải tiết kiệm 1/4 số tiền lương nhận được mỗi tháng. Khoản tiền này sẽ chỉ được rút ra khi họ đến 55 tuổi. Trong thời gian đó, Quỹ Tiết kiệm Trung ương do Chính phủ quản lý sẽ dùng số tiền này để xây dựng đường sá, trường học, bệnh viện và các cơ sở quan trọng khác phục vụ cộng đồng.
Ngày nay, Singapore được cả thế giới nhìn nhận là một đảo quốc thịnh vượng, an toàn và sạch sẽ. Các tập đoàn đa quốc gia đều có mặt tại đây. Và nếu không có một nhà lãnh đạo như ông Lý, Singapore sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được những thành tựu như bây giờ.
Theo tờ Business Insider, ông là một trong những nhà lãnh đạo độc tài thành công nhất thế kỷ XX.
Trong kinh doanh cũng vậy, nếu thiếu sự quyết đoán của Steve Jobs thì có lẽ Apple đã tụt lại phía sau. Khi nhìn lại quá trình điều hành của ông, sẽ không quá lời khi nhận định rằng doanh nhân này là một nhà lãnh đạo độc tài đã thành công với những quyết định của mình.
Mọi chuyện bắt đầu từ thời điểm Jobs được Apple mời quay trở lại vị trí điều hành vào năm 1997. Lúc đó, ông tuyên bố chỉ chấp nhận trở về với điều kiện các vị lãnh đạo khác trong ban quản trị phải từ nhiệm. Kể từ đó, hầu như có rất ít sự phản biện trong nội bộ Apple và Jobs là người duy nhất đưa ra định hướng phát triển cho Tập đoàn.
Về mặt thiết kế và phát triển sản phẩm, chính sự độc đoán của Jobs đã mang lại thành công cho Apple. Cho rằng khách hàng không cần thiết phải có quá nhiều sự lựa chọn, Apple tung ra sản phẩm máy tính all-in-one iMac và phát triển dòng chíp G3 dùng được trên tất cả các sản phẩm của họ. Và chính Jobs đã quyết định dẹp bỏ ổ đĩa mềm khi phương tiện này vẫn còn được thị trường tin dùng.
Jobs cũng là người định hướng Apple trở thành một hãng công nghệ chứ không còn sản xuất máy tính đơn thuần nữa. Mỗi sản phẩm, dịch vụ được họ giới thiệu đều mang tính đột phá. Dịch vụ tải nhạc kỹ thuật số iTunes ra đời đã triệt tiêu nhu cầu tiêu thụ đĩa CD, hay như máy nghe nhạc iPod cho phép người dùng mang theo cả một kho nhạc số với kích thước bỏ vừa túi quần. Những chiếc điện thoại iPhone ra sau đều lần lượt triệt tiêu những sản phẩm ra đời trước đó nhờ vào những tính năng hay kiểu dáng đột phá.
Đặc biệt, phong cách kinh doanh khác biệt của Jobs còn thể hiện qua cách ông trả lời người dùng về vấn đề sóng điện thoại của iPhone yếu. Theo ông, sóng điện thoại yếu là do người dùng cầm iPhone chưa đúng cách chứ không phải là lỗi của sản phẩm. Tâm lý kinh doanh kiểu ‘thích thì lấy, không thì thôi’ của Jobs tưởng như đã lỗi thời, vậy mà đến bây giờ người ta vẫn phải đổ xô xếp hàng để mua cho được những chiếc iPhone mới nhất.
Cả Lý Quang Diệu lẫn Steve Jobs đều là những nhà độc tài theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, họ gặp nhau ở một điểm chung là đều hướng sự độc đoán của mình đến lợi ích tập thể và đã thành công. Ông Lý đã tận dụng quyền lực của mình để áp đặt những nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển đến hoàn thiện của Singapore. Còn Jobs thì tuyệt đối tin tưởng vào tầm nhìn của mình và đã định hướng cho Apple đi theo con đường đó một cách hoàn hảo.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.