Khó khăn: Xoay đủ 9 nghề chưa đủ sống

c26
Tự tìm thêm các ngành kinh doanh khác cho mình, hạ mục tiêu chỉ đón khách VIP để có đông khách hàng hơn, hay làm thêm 3, 4 công việc khác là cách mà nhiều doanh nghiệp, cửa hàng và cả người dân.
Doanh nghiệp ôtô đi bán cơm bụi
Khởi điểm là một doanh nghiệp (DN) kinh doanh xe hơi, Công ty ĐG trên đường Nguyễn Thị Định (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) làm ăn khá thuận lợi. Nhưng rồi, công ty rơi vào bĩ cực trong khó khăn chung của nền kinh tế.
Nếu trước đây, lượng xe đều đều xuất hàng, có tháng tiền lãi lên tới vài tỉ thì nhiều tháng năm 2012, công ty không có một cuộc giao dịch nào thành công. Hơn 30 nhân viên được cắt giảm gọn nhẹ đi thành 15 vẫn ngốn một khoản chi phí khá lớn hàng tháng, lợi nhuận không có đành ăn dần vào vốn.
c26
Sau nhiều tính toán, ĐG chuyển từ công ty buôn bán xe hơi sang công ty tổ chức sự kiện với mong muốn có thêm việc, thêm thu nhập đề nuôi được anh em trong lúc “chờ thời”.
Nhưng đáng buồn, trong khi các DN khó khăn và phá sản, khai trương thì ít mà thoái vốn, rút lui thì nhiều, công việc tổ chức sự kiện gần như không có tiến triển.
Thêm một lần tính toán, ĐG mở thêm hai quán cơm văn phòng, một ở đường Phạm Văn Đồng và một ở Huỳnh Thúc Kháng theo kiểu “vơ bèo vạt tép”. Từ kinh doanh ô tô tiền tỉ, ĐG chỉ dám kinh doanh suất cơm văn phòng giá chỉ khoảng 30.000 đến 50.000 đồng.
 
Tưởng vậy là tạm ổn nhưng vẫn chưa xong. Mới đây, ĐG lại tiếp tục xin mở cửa hàng bán rượu Tây với số vốn khiêm tốn. Nhân viên cửa hàng chia sẻ: 3 tháng mà ĐG chuyển loại hình kinh doanh 4 lần. Hiện kinh tế khó khăn nên lượng người dùng loại rượu cao cấp rất ít. Hơn nữa, rượu Tây chủ yếu khách hàng mua ở những cửa hàng quen, lâu năm, đã có uy tín nên một cửa hàng mới mở như ĐG chỉ có bạn bè, mối làm ăn quen, gần như chưa có khách hàng mới nên chưa dám nói gì về triển vọng”.
 
Không phải là doanh nghiệp lớn như ĐG nhưng nhiều cửa hàng muốn tồn tại cũng phải thay đổi tiêu chí của chính mình. Nhà hàng trên đường Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây được nhiều người biết đến với những món ăn đặc sản các vùng miền… thậm chí là đồ rừng, đồ biển.
Mỗi thực đơn nhẹ nhất cũng vài trăm đồng, hoặc có thể lên tới vài triệu đồng. Cửa hàng có lễ tân đưa đón từ cửa, phục vụ bàn nhiệt tình, phòng thiết kế đẹp, điều hòa êm ru…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người không khỏi lạ lẫm khi phía trước nhà hàng mới được thiết kế thêm một ô nhỏ cho chiếc bếp thò ra ngoài cùng tấm biển quảng cáo “cơm văn phòng”.
Khi được hỏi, một nhân viên trong nhà hàng chia sẻ: Thời buổi kinh tế khó khăn, lượng khách vào nhà hàng so với thời gian trước giảm. Để đảm bảo công việc, tiền lương của nhân viên nhà hàng cũng như sự tồn tại của chính nhà hàng thì việc giảm tiêu chí, hạ giá thành là cách tốt nhất.
 
Quay về nông nghiệp
Chị Nguyễn Hoàng Minh, làm việc ở một cơ quan hành chính trực thuộc bộ cho biết: “Tiền học cho con, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, rồi ngay cả đến cái cụ thể nhất có thể nhìn thấy là tiền xăng xe, tiền gửi xe, tiền nhà cũng tăng nên chúng tôi đành xoay xở để sống.
Giờ hành chính làm việc ở cơ quan, hết giờ phiên dịch thêm sách, tài liệu hội thảo mới đủ sống. Trong phòng tôi, có 12 người thì 5 người làm thêm ngoài.
“Nếu làm như các cụ xưa nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” thì tôi chắc không qua được thời điểm kinh tế này”.
Chị Minh cho biết, nhà chị ở Thái Nguyên có vườn rộng lâu nay chỉ có bố mẹ già nên bỏ hoang. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, anh chị đã phải cải tạo để trồng rau… đầu tư làm đất, giống phân, cuối tuần chịu khó đi xe buýt gần 100km về chăm sóc rồi thu hoạch cho mình và một vài nhà hàng xóm, vừa có rau sạch mà tính ra cũng đỡ cả triệu đồng…
“Đã có rất nhiều người quen biết nhờ mua rau hay muốn góp làm chung, trên mảnh vườn rộng hơn 5000 m2 của ông bà, tôi dự định thuê người trong làng làm… tiền công chẳng tốn bao nhiêu mà tính ra lợi nhiều đường”, chị Minh cho biết.
 
Trước đây, với 6 phòng cho thuê trọ, bà Nguyễn Thị Minh (Định Công Hạ, Hoàng Mai, Hà Nội) rủng rỉnh thu về chục triệu 1 tháng. Dù không phải làm thêm gì vẫn cứ đủ tiền chi tiêu cho gia đình 4 người.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2012, người ta lại thấy bà sắm liềm, sắm ủng và cả thuyền mủng để cấy muống tăng gia ngay trên ao làng gần nhà.
Bà Minh chia sẻ: “Khu vực hồ nước thuộc đất của dự án, những người dân như chúng tôi xuất phát là nông dân nên tận dụng để trồng cấy khi họ chưa xây dựng. May nhờ mấy mét mặt nước mà hàng tháng có thêm vài triệu chi tiêu. Thực phẩm, chi tiêu đắt đỏ như thế này, nếu không tận dụng làm thêm không biết chúng tôi trông vào đâu. Ở thời điểm này, tận dụng làm để kinh tế gia đình không lao đao”.
Từ một ông lớn buôn xe hơi, ĐG đành hạ mình thành chủ quán cơm bình dân, cửa hàng rượu. Tuy nhiên, lãnh đạo ĐG cũng bộc bạch: “Nếu có thể thoát khỏi kinh tế khó khăn, bảo toàn được lực lượng thì chúng tôi chấp nhận. Thời gian tới sẽ còn rất nhiều khó khăn, nếu không biết lùi một bước thì chắc chắn sẽ đổ vỡ, phá sản. Hoàn cảnh của ĐG là cảnh chung”.

Trả lời