Hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quí III năm nay với kết quả làm thất vọng các cổ đông.
Lợi nhuận giảm mạnh
Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng năm 2012. Theo đó, thu nhập lãi thuần quý III của ACB đạt 1.605 tỉ đồng; lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng là 1.144,45 tỉ đồng (tính chung 9 tháng đầu năm hoạt động này bị lỗ 1.251,23 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ bị lỗ 187,63 tỉ đồng). Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh như: chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và các hoạt động khác đều bị thua lỗ. Tất cả những điều này đã khiến cho mức lợi nhuận của ACB 9 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh, chỉ còn 1.086,9 tỉ đồng (năm 2011 đạt 1.858,42 tỉ đồng). Theo giải thích của ngân hàng trong Báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh quí III bị lỗ là do hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng. Do qui định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng phải chấm dứt việc huy động vốn bằng vàng vào ngày 25/11/2012 (thời hạn này nay đã được lùi lại – PV) nên ngân hàng phải lo mua vàng vào để tất toán các khoản vay, dẫn đến thua lỗ. Tùy thuộc vào giá vàng trong tương lai, số lỗ có thể còn phát sinh trong quí 4/2012.
Không đến nỗi như ACB, nhưng lợi nhuận của một số ngân hàng khác cũng giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý III năm nay của Ngân hàng cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chỉ đạt 67,6 tỉ đồng, bằng 81% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này chỉ đạt lợi nhuận 467,9 tỉ đồng, giảm hơn 52 % so với 9 tháng năm 2011. Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) cũng cho biết, lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt khiêm tốn là 5,2 tỉ đồng, chưa bằng 1/6 lãi ròng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2012, BaoViet Bank đạt 73,8 tỉ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Tăng trích lập dự phòng
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm là do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Ngoại trừ nguyên nhân bị lỗ nặng quí III do phải mua lại vàng để tất toán tài khoản với khách hàng, bản thân ACB cũng phải trích lập dự phòng tín dụng gần 274 tỉ đồng trong quý III, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2011. Lũy kế 9 tháng, ACB đã trích lập gần 576 tỉ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ 2011.
LienVietPostBank trong quí III đã trích lập 82,1 tỉ đồng (tăng gấp 7 lần so với năm ngoái). Tính đến hết tháng 9, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này là 243,8 tỉ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, khoản nợ tương đương của LienVietPostBank chỉ là 4,48 tỉ đồng.
Ngân hàng Bảo Việt cũng giải thích, kết quả kinh doanh kém là do đơn vị này tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Tính chung cả 9 tháng năm 2012, dự phòng rủi ro tín dụng của BaoViet Bank tăng lên gấp đôi, từ 25,3 tỉ đồng năm ngoái lên 51,3 tỉ đồng. Tuy mức trích lập dự phòng của hai ngân hàng lớn là Vietinbank và Vietcombank đều giảm trong quý III, nhưng xét lũy kế từ đầu năm, con số trích lập của hai ngân hàng này cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, trích lập dự phòng rủi ro của Vietinbank tăng gần 26%, từ mức 2.185 tỉ đồng năm ngoái lên 2.751 tỉ đồng năm nay. Tương tự Vietcombank cũng có mức trích lập dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm tăng gần 52% so với cùng kỳ. Về chất lượng của các khoản nợ, 9 tháng đầu năm 2012, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank lên 3.211 tỉ đồng, nhiều hơn cuối năm 2011 khoảng 41%. Ngoài ra, nợ nghi ngờ qua 9 tháng tăng gần 30%, trong khi nợ dưới chuẩn cũng cao hơn đầu năm trên 2,5 lần. Hầu hết các ngân hàng không thể phủ nhận rằng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng dây chuyền đến việc thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng và làm gia tăng các khoản nợ xấu. Theo các chuyên gia kinh tế, không loại trừ khả năng một số ngân hàng trong năm nay mới thật sự đánh giá lại các khoản cho vay nên tỷ lệ nợ xấu mới được công khai nhiều hơn những năm trước. Đặc biệt, trong bối cảnh NHNN đang muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng như tìm cách giải quyết những con số khổng lồ về nợ xấu để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế nên bản thân các ngân hàng cũng khó giấu.
Chưa thấy ánh sáng
Cuối năm, ban giám đốc của nhiều ngân hàng đang âu lo không thể về đích lợi nhuận như những năm trước
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo vĩ mô tháng 10. Theo đó, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 10 chỉ ở mức 2,77% so với cuối năm 2011, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,61% cùng kỳ năm 2011. Đến hết quý 3/2012, Vietcombank tăng trưởng tín dụng 8,6%; Ngân hàng Quân đội tăng 10%; PGBank tăng 7,9%; Sacombank tăng 8,3%… Nhưng tính chung cả hệ thống ngân hàng, với các yếu tố vĩ mô chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng, VCBS dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm vào khoảng 5%. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều có hơn 90% lợi nhuận từ tín dụng. Do vậy, khi tín dụng tăng trưởng thấp thì chắc chắn lợi nhuận của ngân hàng cũng thấp. Bên cạnh đó, việc phải giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng cũ đồng loạt về mức 15%/năm theo qui định của NHNN cũng khiến các ngân hàng thất thu khá nhiều so với năm 2011 khi lãi suất cho vay ở mức trên 20%/năm. Đó là chưa kể nhiều ngân hàng còn thất thoát hay thua lỗ từ những khoản cho vay không đúng qui định. “Tôi chưa nhìn thấy điểm sáng nào cho hệ thống ngân hàng để cải thiện lợi nhuận trong quí IV này” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói. Một nguyên nhân khá “nặng ký” đã ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng chính là nợ xấu và ngân hàng phải trích lập dự phòng. Con số nợ xấu của các ngân hàng hiện nay vẫn chưa được biết chính xác. Bởi trong khi Thanh tra NHNN đưa ra con số 8,6% trên tổng dư nợ, tương đương với 202.000 tỉ đồng, thì Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại cho rằng, tỷ lệ này là 11,8%, tương đương với 270.000 tỉ đồng!
Một chuyên gia ngân hàng tại TP.HCM nhận định, do tình hình nợ xấu của các ngân hàng chưa thể cải thiện trong quí IV này nên bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay không thể có gam màu sáng như kỳ vọng của các cổ đông.
Theo doanh nhân 360
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.