Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo đó, thành phố Hà Nội hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các dự án và các hoạt động theo nội dung hỗ trợ được quy định chi tiết tại quy chế. Các doanh nghiệp tham gia quy chế sẽ đóng góp một phần kinh phí.
Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cấp, có trụ sở chính đặt trên địa bàn TP. Hà Nội, có nhu cầu xây dựng sản phẩm hoặc xây dựng thương hiệu.
Các doanh nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng một trong các điều kiện như có vốn chủ sở hữu trên 10 tỷ đồng hoặc có số lao động bình quân từ 300 người trở lên hoặc kim ngạch xuất khẩu trực tiếp từ 5 triệu USD/năm trở lên; Sản xuất các sản phẩm trong danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố; có chứng chỉ quản lý chất lượng quốc tế.
Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về đào tạo, tập huấn kiến thức xây dựng và quảng bá thương hiệu với chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài; tra cứu, xác định và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố; đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng (lô gô) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm. Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được hỗ trợ các hoạt động truyền thông marketing, quảng bá các thương hiệu sản phẩm và đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đáu tranh bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa.
Về mức hỗ trợ, thành phố hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn theo các quy định hiện hành của Nhà nước, không chuyển kinh phí cho các doanh nghiệp tự tổ chức và hỗ trợ tối đa 70% kinh phí cho 1 doanh nghiệp trên cơ sở thực tế đăng ký với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hỗ trợ 70% kinh phí không vượt quá 100 triệu đồng cho 1 doanh nghiệp/1 nội dung hỗ trợ. Các doanh nghiệp được quyền đăng ký nhiều nội dung đề nghị hỗ trợ.
TP. Hà Nội giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện quy chế. Sở có trách nhiệm thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của Hà Nội. Sở cũng có nhiệm vụ lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ và phối hợp với Sở Tài chính thẩm định danh sách, nội dung và định mức hỗ trợ các doanh nghiệp trình UBND thành phố phê duyệt.
Theo misa
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.