Doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng đất?

sudungdat
“Đầu tháng 10 tới, chúng tôi sẽ cử một Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn đầu đoàn công tác đi một số nước nghiên cứu xem người ta xử lý việc cho doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng đất (SDĐ) và tài sản trên đất tại ngân hàng nước ngoài thế nào, sau đó sẽ có báo cáo cụ thể trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi”, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết trong buổi thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
sudungdat
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vấn đề trên hết sức phức tạp, nhạy cảm, vì liên quan đến tài sản quan trọng nhất của đất nước là đất đai. “Tuy nhiên, tôi vẫn ủng hộ phương án của Chính phủ là nên cho thế chấp quyền SDĐ và tài sản trên đất tại ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhưng giao Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể”, ông Lưu phát biểu.
 
Lý giải về sự ủng hộ của mình, ông Lưu cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn trong nước có hạn, huy động vốn trên thị trường quốc tế không hề dễ dàng, nhiều dự án cần nguồn vốn rất lớn, nhưng không thể vay được vốn của ngân hàng nước ngoài, nếu không thế chấp quyền SDĐ.
 
“Với nước ta, vấn đề này phải được cân nhắc hết sức thận trọng, bởi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, có sự khác biệt rất lớn với các nước trên thế giới là đất đai thuộc sở hữu tư nhân”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ quan điểm và lý giải, trong trường hợp doanh nghiệp trong nước đem quyền SDĐ thế chấp tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn mà không trả được nợ, thì ngân hàng nước ngoài có toàn quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền SDĐ…
 
Theo Bộ luật Dân sự, tổ chức, cá nhân có toàn quyền trong việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng; thế chấp, góp vốn bằng tài sản của mình. Có nghĩa là dù không cho thế chấp quyền SDĐ, thì doanh nghiệp vẫn có quyền thế chấp tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Vì thế, theo quan điểm của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên xem xét cho phép doanh nghiệp được thế chấp quyền SDĐ đối với đất giao có thu tiền SDĐ, đất cho thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
 
Nghi ngại lớn nhất của các nhà làm luật là, nếu cho thế chấp quyền SDĐ, trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không trả được nợ thì đất đai – thuộc sở hữu toàn dân sẽ thuộc quyền sở hữu của ngân hàng nước ngoài.
Để xử lý vấn đề này, theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, một mặt nên cho phép doanh nghiệp thế chấp quyền SDĐ tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn, mặt khác cần phải có quy định chặt chẽ ngân hàng nước ngoài chuyển quyền SDĐ, quy định cụ thể về phát mại tài sản là quyền SDĐ…
 
“Ngoài ra, cũng phải quy định, trong trường hợp có tranh chấp về quyền SDĐ thế chấp, thì bên Việt Nam và ngân hàng nước ngoài chỉ được quyền khởi kiện ra các toà án tại Việt Nam, hoặc đưa ra trọng tài thương mại Việt Nam để phân xử, nhằm bảo đảm đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu”, ông Lưu đề xuất.
Theo misa

Trả lời