Những nhà quản lý thành công đều rất “rảnh rỗi” và sẵn sàng cho các cuộc đối thoại.
rong tâm lý của hầu hết nhân viên, sếp là người luôn bận rộn và không có quá nhiều thời gian quý báu cho những câu chuyện ‘công sở’ và tâm sinh lý của họ. Chính vì thế, khi đối diện với sếp, họ thường rụt rè “tim đập chân run” và dĩ nhiên câu chuyện đối thoại của họ kết thúc bằng sự tràn trề thất vọng.
Hẳn chuyện này diễn ra “như cơm bữa” ở nhiều doanh nghiệp. Thực tế, ở doanh nghiệp bạn tôi, cô ấy may mắn gặp một nhà lãnh đạo rất linh hoạt trong đối nhân xử thế. Vị sếp nữ này rất ý nhị quan tâm đến đời sống và suy nghĩ của nhân viên. Nhiều lần, cảm hứng làm việc của mọi người đi xuống, chị lần lượt gọi từng người vào phòng, lần thì đi ăn trưa cùng, chị nhẹ nhàng hỏi: “Bạn mong chờ gì từ công việc hiện tại? Điều gì gây cản trở bạn và tôi có phải là một trong những nguyên nhân đó?” Khi đó, mọi người đã thành thật đóng góp ý kiến và nói lên những mong muốn bản thân.
Giám đốc Nhân sự Công ty Vietceramics International JSC, bà Đinh Thị Phước Duệ, cho rằng những nhà quản lý thành công đều rất “rảnh rỗi” và sẵn sàng cho các cuộc đối thoại xây dựng lòng tin, sự trung thành và tình bạn. Làm được như thế, nhân viên sẽ không còn cảm giác là kẻ làm thuê, mà trở thành người làm chủ trong chính công việc của mình. Họ trở nên có trách nhiệm, kiểm soát được tình hình hiện tại và bám sát các mục tiêu đã cam kết.
Theo bà Duệ, sự tương tác giữa các nhân viên trong đội nhóm, giữa các bộ phận trong công ty và giữa nhân viên với nhà quản lý luôn phải đặt lên hàng đầu. Nhân viên có thể làm việc tại nhà khi cần, nhưng họ không thể thường xuyên được đặc cách như vậy. Việc có mặt ở công ty để gặp gỡ, trao đổi giúp tiến độ công việc diễn ra nhanh hơn chỉ tương tác qua email, skype,…
Mỗi nhà lãnh đạo cần ý thức được những việc mình làm, bởi điều đó sẽ khiến nhân viên sẵn sàng làm việc cho công ty hay không. Nếu áp đặt hoặc quá cảm tính với một nhân viên nào đó, bạn có thể khiến họ làm việc thụ động, không sáng tạo, hoặc ít hiệu quả khi tranh thủ tình cảm của cấp trên.
Lãnh đạo cũng không thể lúc nào cũng tin vào suy nghĩ của mình, bởi như thế dễ gắn mác cho nhân viên không theo năng lực thực sự của họ, đồng thời bóp chết những tài năng đáng ra sẽ giúp công ty có những cải tiến vượt bậc.
Thật sai lầm nếu nhà quản lý nào đó tìm cách loại bỏ những nhân viên dám lên tiếng về chính sách công ty và cách quản lý của cấp trên và cho rằng họ “cứng đầu”, “khó bảo”. Không có gì là không có nguyên do của nó. Hãy để nhân viên tự nhiên thể hiện cảm xúc của mình bằng mọi cách có thể, bằng email, góp ý trực tiếp.
Khi cấp dưới cởi mở chia sẻ, chắc chắn doanh nghiệp đang dần trở thành nơi họ tâm huyết, đáng để làm việc và nhà lãnh đạo có khả năng dẫn dắt.
“Chẳng ai muốn cho người khác đi xe hoặc lái xe chở mình khi họ đang say. Chẳng ai muốn đi theo nhà lãnh đạo mà không biết sẽ đi về đâu”, bà Duệ cho biết.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.