Cơm kẹp (Rice Burger) từ lâu đã trở thành một món ăn được nhiều người tiêu dùng châu Á yêu thích. Từ khi xuất hiện, nó trở thành một hiện tượng của ngành công nghiệp thức ăn nhanh. Sự ra đời và phát triển của món cơm kẹp là một câu chuyện rất thú vị…
Người Nhật phát minh
Văn hóa bánh mì kẹp (Sandwich) du nhập châu Á 50 năm về trước và trở thành món ăn phổ biến tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có văn hóa ăn đũa như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông… với làn sóng McDonald’s. Năm 1972 ông Satoshi Sakurada đã mở một cửa hàng burger đầu tiên tại Tokyo như một lời tuyên bố cạnh tranh với ông khổng lồ này tại đất nước mặt trời mọc.
Nhà hàng thức ăn nhanh theo kiểu phương Tây này được đặt tên là MOS Burger. Thương hiệu MOS được viết tắt bởi ba chữ Mountain, Ocean and Sun (Núi, Đại dương và Mặt trời), đã nhanh chóng trở thành chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh được yêu thích tại Nhật Bản.
Sau 7 năm hoạt động, MOS Burger có 100 cửa hàng. Năm 1983 nhà hàng MOS Burger nhượng quyền thương mại đầu tiên được khai trương cũng tại Tokyo. Tuy nhiên 1987 mới là năm đặt nền móng cho sự phát triển thực sự của chuỗi nhà hàng này khi họ tung ra “vũ khí bí mật” – cơm kẹp tên Tsukune (Tsukune Rice burger).
Món cơm kẹp này ngay lập tức được yêu thích và trở thành điểm khác biệt chính trong chiến lược cạnh tranh của MOS Burger. MOS Burger và biểu tượng cơm kẹp của mình nhanh chóng lan tỏa trên khắp Nhật Bản và vươn ra thế giới như Hồng Kông, Singpore, Đài Loan, Úc và các nước Đông Nam Á khác.
Ngày nay, MOS Burger có 2.000 cửa hàng tại Nhật Bản và 1.800 cửa hàng ở nước ngoài, là đối thủ đáng gờm của McDonald’s, nhờ phần lớn vào món cơm kẹp.
Người Mỹ nhân rộng
Trong quá trình toàn cầu hóa, McDonald’s đã nhanh chóng học hỏi văn hóa địa phương để xâm nhập sâu vào thị trường cũng như nâng cao tính cạnh tranh của mình. Tại thị trường châu Á, ông khổng lồ đã bắt chước người Nhật cho ra đời món cơm kẹp kiểu châu Á này, đầu tiên là tại Đài Loan vào đầu năm 2005 và trong vòng 6 tháng đã tiêu thụ được 5 triệu bánh, đi vào lịch sử doanh số tiêu thụ món ăn mới của McDonald’s.
Ông Steven Lee, Giám đốc điều hành McDonald’s Đài Loan từng cho biết: ”Đây là cuộc hôn nhân thành công đáng ngạc nhiên giữa văn hóa phương Tây và phương Đông, nó trở thành sản phẩm hàng đầu của McDonald’s tại thị trường châu Á to lớn và đầy tiềm năng này”.
Cơm kẹp trở thành 1 trong 3 món ăn địa phương nổi tiếng nhất trong thực đơn của Mcdonald’s trên toàn thế giới. Tuy nhiên, món cơm kẹp đầy bí ẩn này vẫn không được phép bán tại Nhật Bản vì nó trở thành sản phẩm độc quyền của MOS burger, của người Nhật.
Người Việt tự tin
VietMac là công ty đầu tiên giới thiệu sản phẩm đặc biệt này tại cách đây 5 năm tại Hà Nội và được người tiêu dùng trẻ đón nhận nhiệt tình. Nhượng quyền thương mại là chiến lược đúng khi VietMac chọn để mở rộng hệ thống.
VietMac là người đầu tiên dựng “ngọn cờ cơm kẹp” bằng niềm đam mê và cam kết của chính mình. Đó là điểm mạnh mà VietMac cần xây dựng và phát huy nhanh chóng.
Ông Yamamoto Okata, chuyên gia phát triển thức ăn nhanh của một chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản tại TP.HCM nhận định, câu chuyện của VietMac thật thú vị và đáng khuyến khích nhìn từ góc độ tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, để thành công trong tham vọng nhân rộng bằng phương thức nhượng quyền và vươn ra thế giới, theo ông, bốn trụ cột cơ bản cần xây dựng ngay:
Một: Phải luôn nâng cao và giữ vững chất lượng sản phẩm, nó sẽ tạo nên đẳng cấp cho thương hiệu. Chú ý từ những điều nhỏ nhất là vệ sinh cửa hàng đến phương thức chế biến. Người tiêu dùng sẽ nhận ra điều đó rất nhanh chóng.
Hai: Xây dựng quy trình hoạt động và sản xuất tại cửa hàng càng đơn giản càng tốt, điều này sẽ giảm thời gian vận hành tại cửa hàng và tạo sự tự tin lớn cho đối tác nhận nhượng quyền.
Ba: Ban Giám đốc nhanh chóng vượt ra khỏi “cái bếp” chế biến cơm kẹp, xác định thật cụ thể một chiến lược nhượng quyền thương mại, đặt lợi ích của đối tác nhận nhượng quyển lên hàng đầu để xây dựng các kế hoạch kinh doanh và hỗ trợ. Kinh doanh một nhà hàng cơm kẹp và kinh doanh nhượng quyền thương mại là hai lĩnh vực khác nhau rất nhiều.
Bốn: Nuôi dưỡng đam mê trong toàn thể công ty và cho những người nhận nhượng quyền đầu tiên. Họ chính là những sứ giả tiếp thị đầy quyền lực trong hệ thống.
Hành trình món cơm kẹp bí ẩn còn phía trước, dĩ nhiên người tiêu dùng Việt luôn ủng hộ và tự hào khi một thương hiệu Việt thành công.
Theo doanh nhân sài gòn
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.