Những cách luyện ngôn ngữ cho trẻ em

luyenngonngutrenho
Phát triển kỹ năng đọc và viết là một bước quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị cho trẻ đến trường. Bạn có thể chơi cùng chúng một số trò chơi ghép từ vui vẻ để hình thành những kỹ năng ngôn ngữ mà bọn trẻ sẽ cần phải phát huy ở mẫu giáo và các lớp cao hơn. Những hoạt động sau sẽ giúp tạo một sự khởi đầu cho việc phát triển các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ.
luyenngonngutrenho
 1. Trước khi bắt đầu bạn nên nhớ, chơi là việc của con, còn bạn là người thầy đầu tiên của chúng. Bạn hãy kiên nhẫn và làm cho việc học trở nên thú vị. Dành thời gian chơi cùng với con không chỉ để dạy dỗ chúng mà còn tạo những ký ức tốt đẹp giữa bạn và con, bởi một đứa trẻ hạnh phúc học hành sẽ tốt hơn.  Mỗi trò chơi bạn nên dành trung bình 15-20 phút để thực hiện. Khi nào con bạn có biểu hiện mất tập trung thì chính là lúc nên ngừng cuộc chơi. Sắp xếp và kết hợp nhiều thứ khi nói với con về hoạt động như con bạn thích gì, cần giúp đỡ ra sao…
2. Bắt đầu trò chơi: Thu thập những đồ vật khác nhau ở quanh nhà như bút chì, gối, xoong chảo, thú nhồi bông, các món đồ vặt vãnh, bánh kẹo và một cái chăn. Mô tả đồ vật bằng nhiều cách bạn có thể nghĩ ra rồi đề nghị con bạn tìm. Trong trường hợp chúng không tìm được, bạn nên gợi ý cho chúng định nghĩa của những từ bọn trẻ chưa biết. Đừng lo ngại nếu có một số từ trùng nghĩa với nhau bởi mục đích của trò chơi này là mở rộng vốn từ vựng bằng cách đưa ra những từ mới.
3. Bạn cần khuyến khích con nên ghi chép hàng ngày. Bạn kẹp vài mẩu giấy nhỏ trên một tấm bìa hay kẹp file, rồi động viên con mỗi ngày vẽ một bức tranh về những sự việc xảy ra trong ngày hoặc dùng trí tưởng tượng để kể thành câu chuyện. Sau khi con bạn hoàn thành bức tranh, hãy bảo chúng mô tả một chút về bức tranh và ghi những từ do con bạn nói ra lên trang giấy có bức tranh ấy.
4. Cùng đến thư viện với con và đọc lướt một số tạp chí dành cho các bé yêu. Mượn một vài quyển về nhà để xem con bạn thích quyển nào nhất. Cùng con đọc các quyển sách ấy và gợi ý một vài hoạt động. Khi con bạn đã quyết định được loại sách báo để đọc, hãy điền ngay vào thẻ ghi tên sách báo. Đây là một cách hướng trẻ đến với sở thích đọc.
5. Dán nhãn tất cả mọi thứ trong bếp bằng cách viết các từ chỉ đồ vật trong bếp lên một tờ giấy to rồi cắt chúng ra. Sau đó, yêu cầu bọn trẻ dán những nhãn đó lên các vị trí thích hợp như tủ bếp, chậu rửa, ly, tủ lạnh, vòi nước, ngăn kéo… Bạn nên nói luôn công dụng của mỗi loại đồ vật khi bạn dạy con đến từ chỉ đồ vật đó. Yêu cầu chúng chỉ tay vào chậu rửa, nơi cất giữ đồ ăn, nơi nào làm đá… Sau khoảng 1 tuần hoặc hơn, hãy làm lại tương tự với phòng tắm, phòng ngủ…
6. Các bậc cha mẹ nên tạo “một quyển sách đặc biệt” dành cho con mà không cần quá to hay nhiều trang. Viết tên sách lên bìa, bên trong từng trang viết tên những đề tài khác nhau để bọn trẻ tự điền như: “Màu sắc yêu thích nhất của con là….. Những đồ đạc trong nhà có màu ấy là …..” Những trang khác trong “quyển sách đặc biệt” có thể là tên các món đồ chơi, tên những trò chơi yêu thích, tên các thành viên trong gia đình, họ hàng hay màu tóc, màu mắt, chiều cao, cân nặng của chính bé.
7. Hàng ngày nên tạo nhiều cơ hội cho bọn trẻ ôn lại những từ cũ như bạn chỉ vào những thứ gặp trên đường đi rồi yêu cầu chúng nói tên hay mô tả.
8. Luôn nói chuyện với trẻ khi bạn đang làm việc gì cần chúng chú ý để tăng vốn từ vựng bằng cách mô tả kỹ như “Mẹ đang giặt quần áo vì chúng bị bẩn khi chúng ta chơi ở công viên hôm nay. Mẹ cho một thứ bột đặc biệt gọi là xà phòng vào máy giặt”… Với những cách trên, bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì sự tiếp thu vốn từ của con mình khá nhanh. Chúc các bạn thành công!
Theo kynanggiaotiep

Trả lời