Phòng ngừa chứng còi xương ở con trẻ

mgd976
Còi xương là một bệnh loạn dưỡng xương do thiếu hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể. Bệnh do cơ thể thiếu hụt vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa canxi và phốt pho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, khi hệ xương phát triển mạnh.
mgd976
Nguyên nhân chủ yếu gây còi xương ở trẻ em chính là do thiếu ánh sáng mặt trời, trẻ sinh thiếu cân, sinh non, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ có hội chứng kém hấp thu, trẻ suy dinh dưỡng… Tuy nhiên, có không ít trẻ có cân nặng tốt, thậm chí thừa cân cũng bị còi xương do cha mẹ giữ gìn quá cẩn thận nên ít được tiếp xúc với ánh nắng, chế độ ăn không cân đối.
 
Biểu hiện khi bị bệnh, trẻ thường quấy khóc, ngủ không yên giấc, giật mình, ra nhiều mồ hôi lúc ngủ. Theo dõi trẻ thấy xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn, răng mọc chậm, chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng… Vì vậy, khi thấy trẻ nhỏ có biểu hiện trên cần đưa đến cơ sở y tế khám để bác sĩ hướng dẫn bổ sung vitimin D, canxi…. Nếu trẻ không được chữa trị, bệnh sẽ gây ra biến đổi ở xương (thóp rộng và lâu kín, có các bướu trán, lồng ngực biến dạng, các đầu xương cổ tay, cổ chân bè ra…). Nhiều trường hợp trẻ bị còi xương nặng xuất hiện di chứng chuỗi hạt sườn, dô ức gà, chân cong hình chữ X, chữ O…
 
Để phòng bị còi xương ở trẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo là trong thời gian mang thai và cho con bú người mẹ cần được tắm nắng, có thời gian hoạt động ngoài trời, chọn thực phẩm giàu vitamin D và canxi. Trẻ sinh ra cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trẻ em bình thường hằng ngày cũng cần được tắm nắng khoảng 10-15 phút vào buổi sáng, tiền tố vitamin D trên da trẻ sẽ được chuyển thành vitamin D và ăn thức ăn có đủ chất canxi, phốt pho để phòng bệnh. Một số thực phẩm sẵn có chứa nhiều canxi mà các bà mẹ có thể dùng nấu cho trẻ ăn là vừng đen, rau ngót, rau đay, rau muống, cua, tép khô, ốc, tôm, cá mè, lòng đỏ trứng, hến, sữa bò tươi, sữa chua… Khi trẻ bị bệnh còi xương phải được điều trị bằng vitamin D với liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra cho trẻ uống thêm canxi. Nhà ở của trẻ phải có đủ ánh sáng. Quan tâm, để ý đến các biến đổi của trẻ để có cách điều chỉnh kịp thời.
 
Theo Sức khỏe và Đời sống

Trả lời