Du lịch chữa bệnh: còn bỏ ngỏ
Có tiềm năng nhưng chưa được đầu tư đúng mực là lý do mà ngành du lịch chữa bệnh của Việt Nam vẫn bị bỏ ngỏ.
Theo nhận định chung của các hãng lữ hành cũng như chuyên gia trong ngành du lịch, Việt Nam có một nền y học cổ truyền phong phú. Trong đó, liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc (châm cứu, khí công) đang dần được du khách quốc tế biết đến và quan tâm. Song để tinh hoa này của dân tộc có thể trở thành loại hình du lịch kết hợp chữa bệnh, mang lại doanh thu lớn như Singapore, Thái Lan, Malaysia…, rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư.
Hiện đại hóa y học cổ truyền
Châm cứu là một trong những thế mạnh của nền y học dân tộc Việt Nam, được biết đến từ khá sớm. Song phải đến những năm 1990, ngành này mới bắt đầu phát triển mạnh. Đến nay, Việt Nam đã có các trung tâm châm cứu lớn như Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương (đều ở Hà Nội), Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM. Trong đó, theo Bệnh viện Châm cứu Trung ương, họ đã nhận được phản hồi khá tốt từ một số bệnh nhân người nước ngoài.
Năm 2003, cơ quan chuyên về dược phẩm thiết yếu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố báo cáo về hiệu quả của châm cứu trong chữa trị nhiều căn bệnh như viêm khớp, đau thận, đau thần kinh hông, giảm bạch cầu, bong gân… Những cơ sở đó là động lực để Việt Nam đưa liệu pháp châm cứu vào tour du lịch chữa bệnh để thu hút khách nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được như vậy, những trung tâm này cần được hiện đại hóa để đáp ứng tốt nhu cầu của khách.
Hiện đại hóa y học cổ truyền không có nghĩa là thay đổi cách thức chữa bệnh truyền thống. Hiện đại ở đây là đầu tư phương tiện, vật chất (phòng khám, phòng chữa bệnh, khu nghỉ dưỡng của bệnh nhân…) và nâng cao tay nghề cùng trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ y bác sĩ.
Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng (TP.HCM), chia sẻ: “Muốn thu hút khách tham gia các tour du lịch chữa bệnh, phải tạo cho họ lòng tin. Mà điều này chỉ có được thông qua những điều mà du khách được mắt thấy, tai nghe như phong cách chuyên nghiệp của bác sĩ, phương tiện vật chất hiện đại…”. Song cả 2 yếu tố đó ở Việt Nam vẫn còn thiếu.
Cùng ý kiến này, đại diện một công ty du lịch có tiếng ở TP.HCM cho hay: Khá nhiều bác sĩ ở Bệnh viện Y học Dân tộc TP.HCM không biết nói tiếng Anh. Đó là khó khăn lớn khi phát triển loại hình này. Các công ty du lịch có thể giúp phiên dịch nhưng tâm lý của bệnh nhân là muốn nghe chính bác sĩ chữa trị chia sẻ, dặn dò. Chưa kể, khu vực phòng khám, phòng bệnh ở đây vẫn còn quá “cổ truyền”.
Hiện nay, ở Việt Nam, một số du khách Thụy Điển, Úc, Đức… dường như mới chỉ biết đến Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tài Thu, chuyên gia trong lĩnh vực châm cứu chữa bệnh. Do ông phối hợp với Tập đoàn Y học Quốc tế Du lịch, NTT Acupuncture Medical Tourism International Group (Thụy Điển), quảng bá, tổ chức nhiều tour du lịch châm cứu kết hợp khí công chữa bệnh tại Việt Nam cho du khách quốc tế. Tuy nhiên, với số lượng vài trăm khách mà ông đưa về Việt Nam mỗi năm thì doanh thu từ loại hình du lịch chữa bệnh tại Việt Nam cũng chẳng bõ bèn gì.
Nói như thế, nhưng đầu tư như thế nào, vốn ra sao thì vẫn còn là bài toán khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Có thể tham khảo qua cách làm của Thái Lan, đất nước rất gần Việt Nam nhưng đã bỏ xa chúng ta trong loại hình du lịch chữa bệnh. Theo trang tin trực tuyến ArletNet thuộc Reuters, hằng năm, Thái Lan thu hút hơn 1,5 triệu du khách tham gia loại hình này và dự tính tăng lên 2 triệu lượt khách trong năm 2010.
Và mô hình của Thái Lan
Tiêu biểu cho mô hình du lịch chữa bệnh của Thái Lan có thể kể đến bệnh viện đa khoa quốc tế Bumrungrad ở Bangkok. Năm 2006, Bumrungrad được Tạp chí Newsweek (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 điểm đến hàng đầu thế giới về chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng. Chỉ tính riêng từ Việt Nam, mỗi tháng có tới gần 100 du khách tới thăm, khám và chữa bệnh ở Bumrungrad.
Được thành lập từ năm 1980 với vốn đầu tư ban đầu được công bố là 90 triệu baht (1 baht tương đương 550 đồng), Bumrungrad là trung tâm y tế tư nhân được xây dựng theo tiêu chuẩn của khu nghỉ dưỡng 5 sao với đội ngũ 1.000 bác sĩ được đào tạo ở Mỹ và Anh. Bệnh viện có 33 trung tâm chuyên khoa cùng hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, mức phí được đánh giá là phải chăng, thu hút nhiều khách du lịch đến chữa bệnh, nhất là du khách châu Âu và Mỹ. Chỉ tính riêng năm 2008, theo tờ Bangkok Post của Thái Lan, Bumrungrad nhận chữa trị cho 430.000 bệnh nhân từ 190 quốc gia trên thế giới.
Chị Nguyễn Phương Dung (Q.3, TP.HCM), người nhiều lần sang khám chữa bệnh ở Bumrungrad, cho biết: “Chi phí ở bệnh viện 5 sao này cũng chỉ cao hơn đôi chút so với ở Việt Nam. Trong khi các dịch vụ như phòng nghỉ, trang thiết bị khám, chữa bệnh lại rất hiện đại”. Theo trang Bangkokairportonline.com, trong thời gian tới, Bumrungrad dự định đầu tư thêm 3 tỉ baht để tăng số giường bệnh và đầu tư thêm các trang thiết bị y tế hiện đại.
Song không phải ngẫu nhiên mà khách du lịch nhiều nơi biết đến Bumrungrad. Ngoài sự quảng bá của Chính phủ Thái Lan thì bản thân bệnh viện Bumrungrad cũng tự giới thiệu đến khá nhiều quốc gia. Hiện Bumrungrad có hơn 30 văn phòng đại diện tại 30 quốc gia (Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Bồ Đào Nha…). Thậm chí, Bumrungrad còn đặt một văn phòng ở ngay sân bay Thái Lan để đón và hướng dẫn du khách đến tham gia nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh.
Tại văn phòng này, du khách có thể tìm hiểu thông tin hay tham gia 1 tour du lịch vài ngày ở Thái Lan. Trong tour đó sẽ có 1 ngày du khách được khám tổng quát tại Bumrungrad. Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết: “Việc thành lập văn phòng đại diện rất quan trọng. Hầu hết du khách có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài đều đến tìm hiểu thông tin và liên hệ trực tiếp với các văn phòng đại diện của các bệnh viện”.
Để có thể đạt được những bước phát triển như Bumrungrad, không thể vội vàng trong một sớm một chiều. Nhưng có thể nói đây là một mô hình mới và tiềm năng, thích hợp với những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực y tế.
Nguồn NCĐT
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.