Theo Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Mai Đức Chính, khi được hỏi, các giám đốc đều cho rằng công tác nhân sự quyết định tới thành bại của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay cán bộ nhân sự của các doanh nghiệp phần lớn là kiêm nhiệm, chưa có trường lớp đào tào bài bản.
Tại hội thảo sáng nay, do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tổ chức, ông Chính cho rằng, trong các ĐH, CĐ, không có khoa đào tạo, mà chỉ có môn quản trị nhân sự. Cán bộ nhân sự của doanh nghiệp phần lớn là được ông chủ giao việc do “thấy có khả năng”, sau đó gửi đi học các lớp tập huấn.
Theo ông Chính, chưa được đào tạo bài bản, nhiều cán bộ đã không tham mưu cho chủ doanh nghiệp các chính sách về lao động, không xây dựng được mối quan hệ lao động tốt giữa chủ và thợ. Hệ quả là đình công đã liên tục xảy ra. “Tại một doanh nghiệp TP HCM, công nhân đình công chỉ vì cán bộ nhân sự đã không giúp ông chủ giải thích được rằng lương làm thêm vào ngày lễ và chủ nhật cao hơn lương làm thêm ngày thường”, ông dẫn chứng.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch VCCI, giải thích cho sự thiếu, yếu của cán bộ nhân sự hiện nay là có đến 96% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nhưng chỉ 6% giám đốc doanh nghiệp được đào tạo bài bản. Phần đông còn lại thiếu kỹ năng quản lý, kỹ năng quản trị nhân sự.
Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Quan hệ lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng, giám đốc nhân sự phải có kiến thức kinh tế, luật pháp, xã hội và khó nhất là phải có khả năng quản trị con người. Họ phải tham mưu với chủ sử dụng để thiết lập được mối quan hệ lao động bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ và thợ. “Tài chính, thiết bị, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mua, vay được, nhưng quan hệ lao động thì không thể, mà chỉ có thể xây dựng bằng năng lực quản trị nhân sự”, ông Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính bổ sung: “Giám đốc nhân sự phải có tâm và có tầm. Tâm là thấy được lợi ích và khó khăn của cả chủ và thợ, từ đó đề xuất giải pháp để đảm bảo lợi ích của hai bên. Tầm là phải có trình độ pháp luật, xã hội, nắm được hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đặc biệt là bản lĩnh kiên trì thuyết phục”.
Tiến sĩ Tery J Traaen, chuyên gia trong lĩnh vực quản trị nhân sự của Mỹ, nhìn nhận cán bộ nhân sự là nhà thương thuyết chính thức về lao động, nhà trung gian hòa giải không chính thức về quan hệ lao động, nhà tư tưởng và chiến lược sắc sảo, nhà lập kế hoạch và phân tích nhân lực, nhà tư vấn của mọi cấp tổ chức. Làm tốt các vai trò đó, cán bộ nhân sự sẽ chèo lài con thuyền tổ chức tới thành công.
Theo doanh nhân cuối tuần
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.