Làm chủ tạo cảm xúc tích cực cho bản thân
Hầu hết mọi người không nhận thức được là chính họ đang điều khiển cảm xúc của họ chứ không phải ai hay một việc gì khác. Họ thường cảm thấy bản thân họ “tự động” chuyển từ cảm xúc này sang cảm xúc khác và để mặc mình trôi theo dòng cảm xúc mà không hề biết rằng cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc của họ.
Có phải đã có những lúc bạn đang cảm thấy vui vẻ, nhưng bất chợt bạn cảm thấy “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” không? Hay đã bao giờ bạn bắt đầu một ngày mới cảm thấy cực kỳ yêu đời nhưng chẳng bao lâu sau, bạn mất hẳn động lực làm việc chưa? Tại sao lại như vậy?
Khi bạn không quản lý cảm xúc của bạn một cách có nhận thức, não bộ của bạn sẽ “chạy tự động” và chuyển bạn vào các cảm xúc khác nhau. Tệ hơn nữa, sau một thời gian lặp đi lặp lại, nhiều cảm xúc trở thành thói quen cố hữu của bạn. Việc này giải thích tại sao nhiều người vẫn cảm thấy buồn ngủ và không tỉnh táo cho dù đã ngủ được bảy tám giờ trước đó. Hoặc có những người khi bước vào công ty nhìn thấy núi việc chồng chất là cảm thấy nản chí và muốn bỏ việc ngay lập tức. Tất cả những thói quen cảm xúc giới hạn này đã được lập trình sẵn trong tiềm thức của bạn và do các kết nối nơ-ron tạo ra. Bây giờ thì bạn đã hiểu tại sao nhiều người than vãn là họ không quản lý được cảm xúc và cuộc sống của họ rồi chứ?
Bên cạnh đó, nhiều người cho phép những sự kiện bên ngoài chi phối cảm xúc bản thân. Ví dụ như khi hàng hóa bán chạy, họ vui vẻ, tự tin và cố gắng làm việc nhiều hơn. Khi cửa hàng ế khách, họ nản lòng, buồn phiền đến nỗi phải đóng cửa. Khi có ai đó lắng nghe họ tâm sự, khích lệ họ, họ cảm thấy phấn khởi và bắt tay vào hành động. Nhưng ngay khi có người nhận xét tiêu cực về họ, họ lại quay lại tâm trạng đau buồn và mất động lực phấn đấu lúc đầu.
Những người này có khuynh hướng “đẩy trách nhiệm” mà chúng ta đã đề cập trong chương trước. Họ đổ thừa cho người khác hay hoàn cảnh là nguyên nhân khiến họ luôn ở trong tâm trạng tồi tệ. “Anh ta làm tôi buồn, tôi không thể làm được gì cả”, “Chuyện đó xảy ra làm tôi không còn cảm thấy tự tin nữa” hay “Sếp tôi không biết cách động viên tôi đúng mức”.
Có phải những người thành công lúc nào cũng cảm thấy tích cực là vì họ luôn được “trời đất phù hộ” nên gặp những chuyện vui vẻ, may mắn không? Có phải ít khi nào họ gặp khó khăn trở ngại trong cuộc sống không? Có phải họ luôn có người ở bên cạnh động viên an ủi họ không? Có phải họ thường đạt được mục tiêu và không biết đến thất bại là gì không? Dĩ nhiên là không phải vậy. Những người thành công vẫn có thể gặp phải những chuyện tồi tệ bên ngoài như bao người khác, điểm khác biệt nằm ở chỗ họ duy trì được cảm xúc tích cực bên trong cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Những cảm xúc tích cực này tiếp tục thúc đẩy họ hành động nhiều hơn cho đến khi họ đạt được kết quả mong muốn.
Tại sao những người thành công làm được điều này? Đó là vì họ chịu trách nhiệm cho cảm xúc của họ và biết cách điều khiển cảm xúc bản thân một cách có nhận thức. Những người trung bình, mặt khác, luôn cho rằng cảm xúc của mình liên tục bị những thói quen xấu và môi trường xung quanh kiểm soát.
Cho nên, ngay từ bây giờ, bạn hãy bắt đầu làm chủ cảm xúc của mình và học cách liên tục đặt bản thân vào những cảm xúc tích cực để giúp bạn luôn. Để làm được điều này, việc đầu tiên mà bạn cần phải hiểu là… chính bạn tạo ra cảm xúc của mình.
Đây là một số bước để học cách làm chủ cảm xúc của bản thân và tạo ra cảm xúc tích cực cho bản thân mình.
- Nhận thức vấn đề: Bước đầu tiên là nhận thức được cảm xúc của bản thân mình. Điều này có vẻ khá mơ hồ nhưng là bước cơ bản để có thể giải quyết vấn đề. Ví dụ như khi bạn đang lái xe và có người khác bất ngờ tạt ngang ngay trước đầu xe của bạn, bạn có thể thể hiện sự bực tức bằng cách hét lên với người lái xe kia… Hãy nhận biết cảm xúc của mình và điều gì gây ra cho bạn cảm xúc ấy.
- Đặt tên cho cảm xúc: Bước thứ hai là đặt tên cho cảm xúc mình đang trải qua. Tiếp tục với tình huống được đưa ra làm ví dụ ở bước 1, nếu có người bất ngờ tạt ngang ngay trước đầu xe của bạn, bạn có thể đặt tên cho cảm xúc của mình là: “tức giận”, “lo lắng vì gặp phải tình huống nguy hiểm”… Ngay khi bạn đã gọi được tên cảm xúc đó, bạn bắt đầu có thể phân tích, nhìn nhận nó.
- Chịu trách nhiệm: Bước thứ ba này được gọi là chịu trách nhiệm cho chính cảm xúc của mình. Đây có thể là một trong những việc rất khó khăn bởi bạn có thể biện minh rằng “cái ông lái xe cắt ngang trước mặt tôi kia mới là người có lỗi” nhưng bạn lại quên mất rằng cảm xúc tức giận mà bạn đang có là do chính bạn tự chọn lấy. Có thể nói, trong hoàn cảnh đó, người lái xe kia đã không chỉ lấy đi sức mạnh, sự tự chủ của bạn mà còn điều khiển cảm xúc của chính bạn. Vì thế, hãy chịu trách nhiệm với chính cảm xúc của mình; khi đã xác định được điều này, cảm xúc và suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi theo một chiều hướng khác.
- Hướng đến một ý nghĩa khác Bước thứ tư để làm chủ cảm xúc bản thân là tìm ra một ý nghĩa khác. Giả sử bạn đưa ra yêu cầu công việc dọn nhà với những đứa con nhà bạn, nếu bạn yêu cầu chúng làm đến lần thứ ba hoặc thứ tư nhưng chúng vẫn có “trơ ra” không làm gì cả, lúc này bạn có thể cảm thấy tức giận và quát tháo chúng… Nhưng cảm xúc tức giận này hoàn toàn có thể chỉ là biểu hiện của việc bạn cảm thấy chúng không tôn trọng, không lắng nghe ý kiến của bạn. Khi đã xác định được vấn đề như thế, bạn có thể xử lý vấn đề một cách đúng đắn hơn.
- Chấp nhận cảm xúc Bước thứ năm để làm chủ cảm xúc là chấp nhận cảm xúc đó. Mỗi cảm xúc có thể là một thông điệp từ thế giới xung quanh hoặc phản ảnh những trải nghiệm trước đây. Vì thế, cảm xúc có thể không sai nhưng hành động phản ứng lại với thông điệp đó chưa chắc đã đúng đắn. Chấp nhận cảm xúc mình đang có và sau này có thể kiểm tra lại nó và điều chỉnh nếu cần thiết.
- Cảm xúc là sự chỉ dẫn Bước thứ sáu, bạn có thể xác định với bản thân, cảm xúc luôn mang lại cho bạn một điều gì đó hữu ích. Khi bạn đi vào con đường vắng vẻ, cảm xúc lo lắng, bất an sẽ xuất hiện. Ngược lại, khi đi qua con phố đông đúc có cả camera an ninh… bạn sẽ thấy yên tâm hơn. Rõ ràng, trong tình huống này, cảm xúc là một thông điệp giúp bạn xác định tốt hơn về tình trạng bản thân và môi trường xung quanh.
- Thay đổi cảm xúc Nếu bạn đang phải trải qua cảm xúc tiêu cực như sắp phải bước vào kỳ thi và bạn thực sự lo lắng, căng thẳng. Điều này tạo ra sự cản trở không nhỏ cho bạn trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi. Để làm thay đổi cảm xúc này, bạn có thể đặt mình vào tình huống tâm lý khác như hồi tưởng lại kỳ thi trước mà bạn đã trải qua và đạt được kết quả tốt. Khi đó, những cảm xúc khi bạn vượt qua kỳ thi như sự tự tin, niềm vui… sẽ tràn ngập trong bạn. Như vậy, chiến lược ở đây là đưa mình vào trạng thái khác bằng việc nghĩ đến những trải nghiệm tích cực trước đây để thay đổi cảm xúc hiện tại của bạn. Trên đây là một số bước để học cách làm chủ cảm xúc của bản thân và đưa bản thân mình vào những tình huống tốt nhất. Việc học cách lắng nghe chính mình, đặt câu hỏi cho chính mình không phải là việc làm đơn giản bởi nó luôn đòi hỏi kỷ luật và sự kiểm soát tốt từ phía bạn. “Cảm xúc là kẻ thù số 1 của thành công” vì vậy hãy làm chủ cảm xúc của mình nhé!
ST