Khắc phục khuyết điểm nói chuyện không lưu loát của bản thân
Rất nhiều người trong giao tiếp, họ thường xuyên phát ra những tiếng “à” hay “ừm” mỗi khi ngập ngừng. Đó là những lỗi lớn trong giao tiếp cần khắc phục ngay.
Trong những cuộc đối thoại, những từ như “à”, “ừm” thường xuyên xuất hiện. Chúng giống như những nhịp nghỉ để ta kịp suy nghĩ về những gì sẽ nói tiếp theo. Điều này trong buổi nói chuyện bình thường không mấy tai hại vì người đối diện có thể bỏ qua cho bạn. Thế nhưng, khi bạn phát biểu trước đám đông, việc ấp úng, ngập ngừng này khó có thể chấp nhận được. Vậy làm thế nào để loại bỏ chúng khỏi câu nói?
Dưới đây là chia sẻ của Lisa B. Marshall về một cuộc gặp của cô với vị giám đốc cấp cao của một ngân hàng thế giới. Lisa B. Marshall là huấn luyện viên giao tiếp, người chuyên nghiên cứu các cuộc hội thoại và tư vấn để giúp khách hàng có được sự tự tin khi nói chuyện.
Tôi mới tham gia một khoá đào tạo ngắn tại New York, trong khoá đào tạo này chúng tôi phải tự giới thiệu về bản thân mình trước khi bắt đầu học. Và rồi, một vị giám đốc ngân hàng bên cạnh tôi đứng lên phát biểu, những gì ông ta nói như sau: “Tôi… “ừm” làm cho một ngân hàng lớn “ừm”… giống với Citibank. Đặc thù công việc của tôi là “à” về ngành công nghệ, tôi quản lý một nhóm 500 người và “ừm”… chúng tôi làm việc để “ừm” loại bỏ những rủi ro có thể trong quá trình đầu tư”.
Lisa lập tức bất ngờ với những gì mà vị giám đốc kia vừa nói. Cô không tin rằng một lãnh đạo lại có thể ấp úng như thế khi phát biểu trước một nhóm người nhỏ.
“Ừm”… “à”…, những từ huỷ hoại thanh danh
Mặc dù vậy, “à” hay “ừm” khi hồi hộp là còn may, có những người còn nói lắp tới nỗi từ k-k-k-k-k-hông thể nào phát ra nổi.
Là một người có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, một giám đốc của công ty lớn và vị giám đốc kia nói chuyện như một cô gái nhỏ. Những câu nói của ông có quá nhiều khoảng ngừng khiến cho nội dung truyền đạt không thông suốt và nó làm hỏng mất thanh danh của ông.
Lisa cho rằng những từ trên thường nằm ở cuối mỗi câu. Chỉ vì những cụm từ ngắt trên mà các học viên khác trong lớp bắt đầu có dáng vẻ nghi ngờ, liệu ông có phải là giám đốc hay không? Liệu ông có thật sự quản lý 500 người hay không?
Những khoảng ngừng không nên có
Những khoảng ngừng này làm hỏng thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Cho dù nó là một từ không liên quan hoặc một đoạn dừng quá dài, nó khiến người nghe bị phân tâm và làm mất trọng tâm những gì bạn muốn nói.
Trong thực tế, con người khắp nơi trên thế giới có những cách khác nhau để bù lấp khoảng ngừng cho bản thân. Tại Anh, người ta dùng từ “uh”, người Thổ Nhĩ Kỳ dùng “mmmmm”, người Nhật nói “eto” hay “ano”, người Tây Ban Nha nói “esto”, người Thuỵ Điển nói “eh, ah, aah, m, mm, hmm”, người Việt Nam thì ậm ừ.
Dưới tư cách là một huấn luyện viên giao tiếp, Lisa cho rằng những khoảng ngừng trên xuất hiện khi con người hồi hộp. Đối với một số người, những khoảng ngừng trên là dấu hiệu duy nhất cho thấy họ đang lo lắng.
Vậy, phải làm thế nào để tránh được những sai lầm trong giao tiếp trên? Làm sao để giảm thiểu những khoảng ngừng đáng sợ này? “ừm”… dưới đây là một số cách giúp bạn nói lưu loát hơn.
Xác định được thói quen dùng từ của bản thân
Bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất, bạn cần xác định được thói quen dùng những từ ngập ngừng của bạn. Cách đơn giản nhất để tìm ra nó là gì, hãy hỏi những người thường xuyên nói chuyện trực tiếp với bạn hoặc hãy thử nói chuyện với một người lạ xem khi ấp úng bạn hay làm gì.
Hãy lắng nghe cách bản thân nói chuyện
Nếu bạn muốn khắc phục được căn bệnh ấp úng này, thật sự muốn sửa, rất muốn chữa. Bạn phải chấp nhận tốn công cho những cuộc đối thoại của bản thân. Mỗi khi gặp ai đó không quen biết hoặc nói về những thứ bạn không tự tin, hãy lấy điện thoại ra và ghi âm lại toàn bộ cuộc nói chuyện. Sau đó nghe thật kĩ những đoạn ấp úng của mình.
Chỉ sau một khoảng thời gian nghe, tập luyện… bạn sẽ biết được rắc rối của mình. Và đó chính là thứ bạn cần, sự nhận thức về vấn đề. Bạn phải biết về rắc rối của mình trước khi sửa được nó.
Làm thế nào để giảm những khoảng ấp úng này
Sau khi đã làm xong bài tập trên, giờ thứ bạn cần là loại bỏ những khoảng ấp úng, ngăn cho chúng không bay khỏi miệng. Cách thức hiệu quả nhất là khi ấp úng, đừng nói gì cả, hã tạo những khoảng trống yên tĩnh. Nghe có vẻ đơn giản nhưng khi bạn áp dụng vào thực tế sẽ khá buồn cười.
Thế nhưng, khi bạn quen với những khoảng yên lặng trên, bạn sẽ dần nhận thấy rằng khoảng thời gian yên lặng dần ngắn lại. Một khi luyện tập đủ, nó sẽ tự động biến mất và bạn sẽ không còn ngại ngùng khi giao tiếp nữa.
Suy nghĩ kĩ trước khi nói và chỉ nói những gì mình nghĩ mà thôi
Ông cha ta có câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, trong thực tế cũng vậy, đừng quá tham lam trả lời luôn những gì người khác hỏi. Khi không có câu trả lời được chuẩn bị trước, khi suy nghĩ còn chưa vững vàng, những thứ bạn nói ra cũng sẽ lung lay như suy nghĩ của chính bạn vậy.
Khi bạn muốn nói gì với ai đó, hãy nghĩ trong đầu trước xem định nói những gì. Bạn sẽ chỉ mất vài giây để nghĩ thôi và người đối diện sẽ không trách bạn vì điều này đâu. Một khi đã nghĩ xong, hãy nói toàn bộ những gì mình vừa nghĩ, đừng cố bôi thêm, nói những gì đã chuẩn bị trước mà thôi. Khi gặp vấn đề, hãy sử dụng khoảng yên lặng giống như phần trên để tiếp tục suy nghĩ. Kết hợp với luyện tập, khả năng giao tiếp của bạn sẽ tăng cao và những từ “à”, “ừm” sẽ biến mất mãi mãi.
Theo Trí Thức Trẻ